Chỉ thị 05/CT-UBND 2024 tăng cường biện pháp phòng ngừa xử lý ngộ độc thực phẩm Hải Dương

Chỉ thị 05/CT-UBND 2024 tăng cường biện pháp phòng ngừa xử lý ngộ độc thực phẩm Hải Dương

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Hải Dương, ngày 15 tháng 11 năm 2024

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh thực phẩm và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, do đó từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh chưa có vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, gây lo lắng trong Nhân dân, đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2024 cả nước đã xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm với số người bị ngộ độc thực phẩm tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 về Tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 38/CT-TTg), đồng thời để chủ động phòng tránh nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh

a) Tổ chức quán triệt, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 và Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024.

b) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; tập trung thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các giải pháp với tinh thần chủ động ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ đầu, phải xác định nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân và cộng đồng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến, cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, tại các điểm du lịch, lễ hội và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chú ý biện pháp giám sát, hướng dẫn phòng ngừa phù hợp đối với các bếp ăn tập thể, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho Nhân dân.

c) Tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; tổ chức giám sát có trọng tâm, trọng điểm các điểm, địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; chủ động phân tích đánh giá nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm để kịp thời đưa ra cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý.

d) Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án, kịch bản xử lý khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện vật tư, hóa chất, thiết bị, thuốc để tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; tổ chức điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm và báo cáo theo quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Thực hiện tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm, nguyên liệu thuộc thẩm quyền quản lý.

c) Tăng cường kiểm soát nguồn gốc các loại thịt, cá, sản phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống; kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tự phát trong khu dân cư. Kiểm soát chặt chẽ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, giám sát và hậu kiểm việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; thực phẩm tươi sống, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt, …

d) Tăng cường triển khai các biện pháp giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố mất an toàn vệ sinh thực phẩm; phân tích nguy cơ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; thông tin kịp thời các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn.

đ) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa sự cố về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Chú trọng kiểm soát việc sử dụng các loại hoá chất, phụ gia tại các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các chất kích thích tăng trưởng đối với vùng nuôi/trồng.

e) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan trong việc điều tra nguyên nhân, chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật, các chất cấm…; tổ chức thực hiện chương trình giám sát, đánh giá nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực và phạm vi quản lý của ngành theo quy định.

4. Sở Công Thương

a) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

b) Tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực được phân công quản lý nhằm phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn.

c) Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan trong việc điều tra nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc do methanol trong rượu hoặc các chất cấm sử dụng trong thực phẩm tại các cơ sở do ngành quản lý.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức về an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

b) Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các ban, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông tại địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát và phối hợp kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục. Khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, phải thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Cục Quản lý thị trường

a) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, lưu thông, kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống không an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, kém chất lượng...

b) Phối hợp thực hiện trong công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo có sự thống nhất, không chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

c) Thực hiện tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

7. Công an tỉnh

a) Tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm giả, kém chất lượng, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm.

b) Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp kiểm soát thực phẩm đông lạnh không bảo đảm an toàn thực phẩm vận chuyển và kinh doanh trên thị trường qua địa bàn tỉnh.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; nhận diện và phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời phản ánh, biểu dương các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm và phản ánh các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn.

9. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương

Dành thời lượng phù hợp để phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời đưa tin, biểu dương, phản ánh các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả, nhằm phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cho người dân và cộng đồng dân cư.

b) Tăng cường kiểm tra về đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn; trong đó chú trọng kiểm tra đối với bếp ăn tập thể trong trường học; các dịch vụ ăn uống lưu động, các điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn.

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý. Tăng cường kiểm soát việc lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè để kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Y tế (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT. UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- VP. Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Tòa án Nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX. Hải (5b).

CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Châu

 

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Chi-thi-05-CT-UBND-2024-tang-cuong-bien-phap-phong-ngua-xu-ly-ngo-doc-thuc-pham-Hai-Duong-636076.aspx


Bài viết liên quan: