Hướng dẫn 22-HD/BTCTW 2023 tuyển dụng công chức cơ quan đảng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hướng dẫn 22-HD/BTCTW 2023 tuyển dụng công chức cơ quan đảng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 22-HD/BTCTW

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2023

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CƠ QUAN ĐẢNG, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quyết định số 152-QĐ/TW, ngày 26/10/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương;

- Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019;

Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như sau:

Điều 1. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức

Người đăng ký dự tuyển cần bảo đảm các quy định nêu tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Đối với vị trí việc làm là công chức làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, người đăng ký dự tuyển phải là đảng viên, không vi phạm các tiêu chuẩn chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ; trường hợp chưa là đảng viên thì phải được xác minh lý lịch rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để phát triển đảng và không vi phạm các tiêu chuẩn chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ.

2. Đối với vị trí việc làm là công chức trong các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, người đăng ký dự tuyển phải đáp ứng thêm các điều kiện, yêu cầu cụ thể do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công bố phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của tổ chức sử dụng công chức.

Điều 2. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng

1. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng

a. Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Hội đồng lý luận Trung ương.

b. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.

c. Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

d. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

e. Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

2. Cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng

a. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức cho các công đoàn ngành ở Trung ương trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chịu trách nhiệm về các nội dung phân cấp.

b. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có thể phân cấp thẩm quyền tuyển dụng viên chức cho các học viện trực thuộc và chịu trách nhiệm về nội dung phân cấp.

c. Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có thể phân cấp thẩm quyền tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính, nhân sự theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về các nội dung phân cấp.

d. Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương có thể phân cấp thẩm quyền tuyển dụng viên chức cho cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh. Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có thể phân cấp thẩm quyền tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ trực thuộc, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính, nhân sự theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về các nội dung phân cấp.

Điều 3. Phối hợp tổ chức tuyển dụng chung

Các cơ quan, tổ chức, cấp ủy địa phương có số lượng vị trí việc làm cần tuyển dụng ít có thể phối hợp tuyển dụng chung, cụ thể:

1. Các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có thể xem xét phối hợp chung để tổ chức kỳ thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, viên chức.

2. Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức chung giữa khối đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với khối chính quyền địa phương.

3. Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương có thể xem xét, chủ động phối hợp tổ chức kỳ tuyển dụng chung.

Khi phối hợp tuyển dụng chung, các cơ quan, đơn vị phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng.

Điều 4. Hình thức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành đối với viên chức

Đối với thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, có thể lựa chọn một trong các hình thức: Phỏng vấn; thực hành; viết; kết hợp phỏng vấn với viết; kết hợp thực hành với viết. Trường hợp sử dụng hình thức thi kết hợp thì tỷ lệ điểm của các phần thi do chủ tịch hội đồng thi quyết định và phải thông báo công khai trước kỳ thi.

Điều 5. Phương thức thi tuyển công chức ở địa phương

1. Thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung

Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các môn thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung (vòng 1) đối với người đăng ký dự tuyển vào làm công chức khối đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và khối chính quyền (từ cấp huyện trở lên) trên địa bàn.

2. Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

Các trường hợp đạt yêu cầu ở vòng thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung, căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển và các yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển để đăng ký dự tuyển.

Điều 6. Chế độ báo cáo

Định kỳ hằng năm (trước ngày 30-9), cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng báo cáo kết quả công tác tuyển dụng công chức, viên chức và dự kiến kế hoạch tuyển dụng cho năm sau về Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, theo dõi phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định.

Điều 7. Trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức

1. Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hướng dẫn này và các quy định pháp luật liên quan tuyển dụng công chức, viên chức của các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng theo thẩm quyền bảo đảm đúng Hướng dẫn này và các quy định pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức; lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc về công tác tuyển dụng công chức, viên chức.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Hướng dẫn số 37-HD/BTCTW, ngày 04/8/2015 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng (nêu tại khoản 1 Điều 2 Hướng dẫn này) kịp thời phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư (để báo cáo),
- Đồng chí Trưởng Ban (để báo cáo),
- Các đồng chí Phó trưởng Ban,
- Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng ở TW,
- Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức chính trị-xã hội,
- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc TW,
- Bộ Nội vụ (để phối hợp),
- Lưu VP, Vụ TC-ĐL.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN




Nguyễn Quang Dương

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Huong-dan-22-HD-BTCTW-2023-tuyen-dung-cong-chuc-co-quan-dang-Mat-tran-To-quoc-Viet-Nam-602527.aspx


Bài viết liên quan: