Nghị quyết 07/NQ-CP 2025 thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW xây dựng phát triển Hải Phòng
CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2025 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 96-KL/TW NGÀY 30 THÁNG 09 NĂM 2024 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 45-NQ/TW NGÀY 24 THÁNG 01 NĂM 2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA XII VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Kết luận số 96-KL/TW ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 9848/TTr-BKHĐT ngày 29 tháng 11 năm 2024;
Trên cơ sở ý kiến biểu quyết của các Thành viên Chính phủ,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 96-KL/TW ngày 30 tháng 09 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
CHƯƠNG TRÌNH
HÀNH
ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 96-KL/TW NGÀY 30 THÁNG 09 NĂM 2024 CỦA
BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 45-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA
XII VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2045
(Kèm theo Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ)
Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Kết luận số 96-KL/TW ngày 30 tháng 09 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Kết luận số 96-KL/TW), Chính phủ ban hành Chương trình hành động với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tổ chức quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 96-KL/TW ngày 30 tháng 09 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2024 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Tiếp tục thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp các nội dung nêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhất là những nội dung về xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách mới, đặc thù có tính đột phá, khả thi cao, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao, huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế,... và phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và của thành phố Hải Phòng để tiếp tục khẳng định thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, khu vực phía Bắc và cả nước.
3. Chương trình hành động phải thể hiện rõ vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng; đồng thời, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, lộ trình thời gian để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các địa phương trong cả nước tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đồng bộ hiệu quả Kết luận số 96-KL/TW.
4. Bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chương trình hành động này với thực hiện với các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các địa phương trong cả nước cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai các nhiệm vụ giải pháp sau:
1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW
- Các bộ, cơ quan liên quan, thành phố Hải Phòng và các địa phương trong cả nước chủ động phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông để nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin về Kết luận số 96-KL/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 96-KL/TW đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý và toàn thể nhân dân làm chuyển biến nhận thức và quyết tâm cao của các ngành, các cấp.
- Tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 45-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tiếp tục tạo sự thống nhất cao, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí chiến lược, tầm quan trọng của thành phố Hải Phòng trong vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.
- Nâng cao vai trò tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư trong công tác quảng bá hình ảnh của Thành phố nhằm lan tỏa hình ảnh đẹp của thành phố; tăng cường công tác truyền thông, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các thế mạnh của thành phố như: kinh tế biển, cảng biển, dịch vụ hậu cần sau cảng, logistics, du lịch, khám phá, ẩm thực; tăng cường nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong công tác tuyên truyền đến từng người dân và đến với nhân dân cả nước về một thành phố Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước
- Tăng cường và nâng cao có hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội, áp dụng nhiều hình thức, phương thức đa dạng để phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW đạt hiệu quả cao nhất.
2. Công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính
- Rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
- Rà soát, đánh giá các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và nội dung công việc cụ thể tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 16/11/2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị để bảo đảm hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn.
- Nghiên cứu xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 với các cơ chế, chính sách mới, trong đó bao gồm chính sách về thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng, theo hướng toàn diện hơn, mang tính đột phá, có tính khả thi cao và phù hợp với thực tiễn phát triển của Thành phố, gắn việc thực hiện phân cấp, phân quyền với trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu trong một số ngành, lĩnh vực, nhất là về: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị; tài nguyên và môi trường; đất đai; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, các chuyên gia, nhà khoa học tài năng,...
- Nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định mức ổn định và hài hòa tỷ lệ điều tiết các khoản thu ngân sách trung ương và địa phương trong từng thời kỳ ổn định ngân sách cho Thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các dự án mang tính chất khu vực đồng bằng sông Hồng và phía Bắc.
- Tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và các đề án về sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025.
3. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; trọng tâm là phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
- Thành phố Hải Phòng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy nhanh tiến độ việc triển khai có hiệu quả chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới nhất là các ngành, nghề kinh tế mũi nhọn có giá trị gia tăng cao: Dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics điện tử, thương mại điện tử, du lịch,...; đầu tư, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
- Rà soát lại các chỉ tiêu phát triển của Thành phố, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng các kịch bản tăng trưởng gắn với thu hút, phân bổ hiệu quả các nguồn lực để phát triển các ngành chủ lực, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
- Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng logistics của Hải Phòng kết nối với các quốc gia, địa phương trong cả nước về đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không để xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng sớm trở thành trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại. Nghiên cứu, thực hiện lấn biển hiệu quả cao để phát triển kinh tế - xã hội tại một số khu vực như: Cát Hải, Đồ Sơn, Dương Kinh, Tiên Lãng,...
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa lớn, gắn với chế biến sâu và thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển vùng chuyên canh hàng hóa lớn, các cụm nông - công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của thành phố Hải Phòng. Xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mới theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường và tạo ra giá trị ra tăng lớn trên cơ sở hình thành các mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với liên kết tiêu thụ nông sản hàng hóa.
- Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đề án... lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố; đặc biệt là các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp ... Tiếp tục phối hợp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng (thủy lợi, đê điều, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá,...) trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
- Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp và hạ tầng kết nối với bên ngoài nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực nhằm phát huy vai trò động lực các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; nghiên cứu thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới với những cơ chế, chính sách vượt trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới và phù hợp với điều kiện thực tế tại Hải Phòng.
- Tăng cường liên kết hình thành các cụm liên kết ngành, các khu kinh tế và khu công nghiệp; nghiên cứu xây dựng và thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng tại thành phố Hải Phòng.
- Huy động các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư phát triển chuyển đổi số, hạ tầng số nhằm tạo đột phá về năng lực, mạng lưới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó ưu tiên tập trung phát triển nhân lực số, kỹ năng số của thành phố, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số của thành phố nhằm đạt được sự gắn kết, đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số toàn diện.
4. Tăng cường thu hút vốn đầu đầu tư phát triển, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính kết nối liên vùng và đẩy mạnh liên kết vùng
- Tập trung thu hút các nguồn lực để tăng quy mô và hiệu quả đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó vốn ngân sách trung ương đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, kết hợp với ngân sách Thành phố và nguồn huy động xã hội hóa để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng, kết nối các phương thức vận tải khác nhau phát huy lợi thế về cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các hành lang kết nối của vùng.
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các địa phương ven biển Bắc Bộ, hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bảo đảm tiến độ thực hiện đầu tư, hoàn thành các bến cảng còn lại thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; Tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Thanh Hóa - Nghệ An; Cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 10, Quốc lộ 17B,...; Xây dựng lộ trình nghiên cứu, đầu tư xây dựng cảng Nam Đồ Sơn cùng với cảng Lạch Huyện để sớm trở thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp với trung chuyển quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công các công trình, dự án: Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng; Cảng biển Nam Đồ Sơn; Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại Tiên Lãng; Đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
- Chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là các địa phương trong tam giác động lực phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành để hoàn thiện thể chế điều phối vùng đủ mạnh, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, mang tính liên kết vùng. Nghiên cứu, đề xuất với Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng các cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng để đáp ứng tốt hơn các điều kiện nhằm phát triển đột phá, nhằm khẳng định vai trò là một trong những cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng và cả nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong tam giác động lực phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các địa phương trong vùng, các hoạt động theo thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (bao gồm các địa phương: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương), các hoạt động trong khuôn khổ “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Khẩn trương xây dựng lộ trình và bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện, sớm hoàn thành các tiêu chuẩn hợp thành tiêu chí đô thị loại I; hiện đại hóa đô thị với đặc trưng, bản sắc riêng của Thành phố cảng biển để xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố cảng, công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, đạt tiêu chí đô thị tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
- Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông; trong đó, tái cơ cấu đầu tư công theo hướng tập trung cho đầu tư lĩnh vực thông tin và truyền thông có trọng trọng tâm, trọng điểm gắn với các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa địa phương trong Thành phố. Có cơ chế khuyến khích các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước để đầu tư và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin Make in Viet Nam tại các khu công nghệ thông tin tập trung.
- Tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang tổng thể đô thị, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc hai bờ các dòng sông trong khu vực nội đô và lân cận. Hoàn thành việc thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng, nâng cấp một số huyện thành đơn vị hành chính quận.
5. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và công bằng xã hội; quản lý, khai thác tài nguyên; thu hút đầu tư phát triển du lịch; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm phát triển bền vững với phương châm “mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện tốt chủ trương “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế”: Huy động mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội để giúp người dân thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo; thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; tiếp tục quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là người dân tại hai huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cát Hải.
- Đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế; xây dựng và phát triển con người Hải Phòng toàn diện và đậm đà bản sắc người Hải Phòng đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu của Thành phố; các công trình tượng đài mang tính lịch sử, truyền thống cách mạng góp phần làm đẹp cảnh quan, tạo dựng bản sắc văn hóa cung cấp những trải nghiệm ý nghĩa về truyền thống, lịch sử, nâng cao thẩm mỹ cộng đồng gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu phát triển kinh tế, phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế của Thành phố. Tập trung thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, ưu đãi phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá, hợp tác về du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch.
- Tiếp tục xây dựng phát triển Hải Phòng thành một trong các trung tâm y tế lớn, hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân Thành phố và vùng đồng bằng sông Hồng. Đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế, hạ tầng y tế, đồng bộ, nâng cấp các bệnh viện của Hải Phòng nhằm nâng cao, đa dạng hóa công tác khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học; ứng dụng kỹ thuật y học tiên tiến hiện đại; dịch vụ y tế chất lượng cao kết hợp với mô hình du lịch nghỉ dưỡng; có cơ chế thu hút các nguồn lực trong và nước ngoài vào đầu tư các lĩnh vực y tế chuyên sâu, chất lượng cao,...
- Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện đại hóa và mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục và đào tạo; quan tâm thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo. Phối hợp có hiệu quả giữa cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là đào tạo các ngành nghề như công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, kinh tế biển, hàng hải, vận tải biển, dịch vụ logistics, y học biển,...Tăng cường, hợp tác liên kết với các thành phố biển có nền kinh tế năng động, sáng tạo ở nước ngoài để kết nối, hợp tác theo hướng kinh tế biển bền vững.
- Đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để xây dựng Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học và công nghệ của cả nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, nhất là khoa học công nghệ biển.
- Quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên nước, rừng, biển, đất đai; chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học bảo tồn các khu vực rừng nguyên sinh. Dự báo và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu gắn với thực hiện cam kết đạt mức ròng bằng “0” vào năm 2050; chủ động tham gia thị trường các - bon trong nước và quốc tế.
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đất đai kết hợp với tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và mọi người dân để thực hiện tốt mục tiêu “vì sự phát triển bền vững của Thành phố”.
6. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
- Xây dựng, củng cố thế trận toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; tiếp tục thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn gắn với xây dựng các công trình phòng thủ theo thế trận quân sự khu vực phòng thủ đúng với vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, thế trận an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội nhất là ở khu vực biển, đảo của thành phố, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh nhân dân, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự; ứng phó có hiệu quả các tình huống, các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống; phòng ngừa, trấn áp và xử lý hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
- Ưu tiên nguồn lực củng cố, đầu tư cải tạo, xây dựng mới các công trình có tính lưỡng dụng, công trình quốc phòng, an ninh nhất là các công trình tuyến biên giới trên biển, đảo Cát Hải, đảo Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong khu vực phòng thủ của thành phố. Xây dựng và phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ thành trung tâm kinh tế - quốc phòng khu vực Vịnh Bắc Bộ. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng.
- Xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố thực sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; chủ động phòng ngừa kịp thời phát hiện và ngăn chặn các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng hợp tác trên các lĩnh vực để chống phá chính trị, tác động nội bộ, chuyển hóa thể chế, chính sách. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh đối ngoại, an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng, an ninh các công trình trọng điểm về an ninh quốc gia và bảo vệ bí mật nhà nước; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và kéo giảm tội phạm một cách căn bản, bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng tại thành phố Hải Phòng; giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
- Tiếp tục thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố an toàn, thân thiện, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân thành phố; phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy.
- Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý là cửa ngõ ra biển ở khu vực phía Bắc, kết nối với ASEAN để tiếp tục nâng cao hoạt động của công tác đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để đa dạng hóa đối tác thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; phối hợp giải quyết hiệu quả những vấn đề an ninh hàng hải, bảo vệ ngư dân và các hoạt động kinh tế hợp pháp phù hợp theo công ước quốc tế trên Biển Đông.
7. Xây dựng chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn với thực hiện mô hình chính quyền đô thị
- Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ chủ chốt, cấp chiến lược có đầy đủ phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, uy tín, nhiệt huyết, tư duy, tầm nhìn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, gắn với chế độ đãi ngộ thích hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Tiếp tục chủ động tổ chức học tập, quán triệt và triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hướng đến mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan gắn với triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng
- Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, công khai trong mọi lĩnh vực.
- Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ cơ sở; đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra, thanh tra trách nhiệm thủ trưởng của các ngành, lĩnh vực như: tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng; quản lý nhà nước về tài chính, đất đai, tài nguyên, môi trường,...
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm nhân dân là chủ thể và mục tiêu phát triển của Thành phố. Tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp thường xuyên với thành phố Hải Phòng có cơ chế điều hành, tập trung, cụ thể trong tổ chức thực hiện, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
- Trước ngày 31 tháng 01 năm 2025, xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kết luận số 96-KL/TW và Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết này hoặc lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hành động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm điểm về tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW và Chương trình hành động của Chính phủ.
b) Phân công nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện:
- Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị quyết này, xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện với tiến độ cụ thể đảm bảo thời gian hoàn thành và chất lượng các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, rà soát và tiếp tục triển khai đảm bảo hoàn thành có chất lượng đối với các nhiệm vụ, đề án được giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW.
- Các bộ, ngành khác có liên quan chủ động phối hợp, hỗ trợ thành phố Hải Phòng và các bộ, ngành, địa phương có liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án đúng quy định.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án được giao của bộ, ngành mình.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 96-KL/TW và Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết này.
- Chủ động phát triển quan hệ liên kết, trao đổi, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước (Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh,...) để phát triển bền vững trên các lĩnh vực, khai thác và phát huy được tiềm năng, lợi thế của nhau cùng phát triển.
- Chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 96-KL/TW, Nghị quyết số 45-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 30-NQ/TW và các Chương trình hành động của Chính phủ; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện. Chủ động trao đổi, phối hợp làm việc với các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
- Định kỳ hàng năm, sơ kết 03 năm và tổng kết 05 năm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết này của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi và tổng hợp theo quy định.
3. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh chủ động phát triển quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố Hải Phòng trên mọi lĩnh vực, tạo sự gắn bó và sức mạnh chung để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế của nhau vì sự phát triển chung.
4. Đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp tăng cường giám sát thực thi công vụ, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết này.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết này
6. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng kịp thời đề xuất các nội dung điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
PHỤ LỤC I
NHIỆM VỤ, ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA
CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số
07/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ)
TT |
Nội dung công việc |
Cơ quan chủ trì thực hiện |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian trình |
Sản phẩm |
Cấp trình |
1 |
Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Kết luận 96-KL/TW và Chương trình hành động của Chính phủ |
Thành phố Hải Phòng |
Các bộ, ngành và cơ quan có liên quan |
|
Các thông tin điện tử trên website; chương trình phát thanh, truyền hình; bài viết, ấn phẩm; Hội thảo, chuyên đề... |
Theo quy định |
2 |
Rà soát, đánh giá các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và nội dung công việc cụ thể tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 16/11/2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị để bảo đảm hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Các bộ, ngành và cơ quan có liên quan |
Quý II/2025 |
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
Thủ tướng Chính phủ |
3 |
Xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với các cơ chế, chính sách mới theo hướng toàn diện hơn, mang tính đột phá, có tính khả thi cao và phù hợp với thực tiễn phát triển của Thành phố, trong đó bao gồm chính sách thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
UBND thành phố Hải Phòng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan |
Quý I/2025 |
Nghị quyết Quốc hội |
Quốc hội |
4 |
Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định mức ổn định và hài hòa tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các dự án mang tính chất khu vực đồng bằng sông Hồng và phía Bắc. |
Bộ Tài chính |
UBND thành phố Hải Phòng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan |
Quý I/2025 |
Báo cáo Chính phủ |
Chính phủ |
5 |
Rà soát lại các chỉ tiêu phát triển Thành phố, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được ban hành, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản tăng trưởng với thu hút, phân bổ hiệu quả các nguồn lực để phát triển các ngành chủ lực, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Thành phố |
UBND thành phố Hải Phòng |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan |
2025 |
Theo quy định |
|
6 |
Triển khai thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị và các đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 |
UBND thành phố Hải Phòng |
Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan |
2025 |
Theo quy định |
|
7 |
Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng |
UBND thành phố Hải Phòng |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan |
2024 |
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Đã ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 04/12/2024) |
Thủ tướng Chính phủ |
8 |
Nghiên cứu đầu tư xây dựng và thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng tại thành phố Hải Phòng |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
UBND thành phố Hải Phòng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan |
2025 |
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
Thủ tướng Chính phủ |
9 |
Xây dựng và phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ thành trung tâm kinh tế - quốc phòng khu vực Vịnh Bắc Bộ |
Bộ Quốc phòng |
UBND thành phố Hải Phòng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan |
Quý II/2025 |
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
Thủ tướng Chính phủ |
10 |
Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy |
UBND thành phố Hải Phòng |
Các bộ, ngành có liên quan |
2025-2030 |
Báo cáo |
|
PHỤ LỤC II
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI
PHÒNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 96-KL/TW NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 2024 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
(Kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số
07/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ)
TT |
Danh mục dự án |
Cơ quan chủ trì thực hiện |
Cơ quan phối hợp |
Dự kiến thời gian thực hiện |
Dự kiến nguồn vốn |
Ghi chú |
1 |
Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn trên địa bàn thành phố Hải Phòng |
Bộ Giao thông vận tải/UBND thành phố Hải Phòng |
Các bộ và cơ quan có liên quan |
2026-2030 |
NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác |
|
2 |
Đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 |
UBND thành phố Hải Phòng |
Các bộ và cơ quan có liên quan |
2026-2030 |
NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác |
|
3 |
Các bến khởi động Cảng biển Nam Đồ Sơn |
UBND thành phố Hải Phòng |
Các bộ và cơ quan có liên quan |
2026-2030 |
NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác |
|
4 |
Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng |
Bộ Giao thông vận tải |
Các bộ và cơ quan có liên quan |
Theo quy hoạch chi tiết (Phấn đấu khởi công 2025- 2030) |
NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác |
|
5 |
Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng |
Bộ Giao thông vận tải |
Các bộ và cơ quan có liên quan |
2026-2030 |
NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác |
|
6 |
Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại Tiên Lãng |
Bộ Giao thông vận tải/Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp/địa phương |
Các bộ và cơ quan có liên quan |
Sau năm 2030 |
NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác |
|
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Nghi-quyet-07-NQ-CP-2025-thuc-hien-Nghi-quyet-45-NQ-TW-xay-dung-phat-trien-Hai-Phong-639590.aspx
Bài viết liên quan:
- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 số 42/2024/QH15 mới nhất
- Circular 63/2024/TT-BCA handling of law violations concerning railway traffic by the traffic police mới nhất
- Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 số 50/2010/QH12 áp dụng 2024 mới nhất
- Luật Dược 2016 số 105/2016/QH13 áp dụng 2024 mới nhất
- Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 mới nhất
- Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 số 05/2007/QH12 áp dụng 2024 mới nhất
- QCVN-121-2024-BGTVT-Co-so-bao-hanh-bao-duong-xe-co-gioi
- QCVN-103-2024-BGTVT-Co-so-vat-chat-ky-thuat-vi-tri-co-so-dang-kiem-xe-co-gioi
- TCVN-5738-2021-Fire-protection-Automatic-fire-alarm-system-Technical-requirement
- QCVN-117-2024-BGTVT-Duong-bo-cao-toc
- QCVN-81-2024-BTNMT-quy-trinh-thanh-lap-ban-do-dia-hinh-quoc-gia-ty-le-1-2000
- National Technical Regulation QCVN 34:2018/BLDTBXH for Safe work in confined spaces
- Agreement road transport between The government Vietnam and The government Cambodia
- Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu số 57/2024/QH15
- Official Dispatch 4932/NHNN-TT 2024 cooperation in prevention of trading of checking accounts of students
- Integrated document 15/VBHN-VPQH 2023 Law on tabacoo harm prevention
- Integrated document 14/VBHN-VPQH 2023 Law on Vietnamese Guest Workers
- Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu số 57/2024/QH15 mới nhất
- Integrated document 25/VBHN-VPQH 2024 Law on Advertising
- Integrated document 21/VBHN-VPQH 2024 Law Public Private Partnership Investment