Kế hoạch 3589/KH-UBND 2020 phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi Bắc Giang 2020-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3589/KH-UBND |
Bắc Giang, ngày 14 tháng 8 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2020-2025
Căn cứ Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025”; Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2025 như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng trong tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Từ 90% số xã, phường, thị trấn trở lên trong tỉnh không có bệnh DTLCP trong giai đoạn 2020 - 2025.
- Xây dựng thành công ít nhất 5 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn.
- Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ) áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
1. Công tác tập huấn, tuyên truyền
- Triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn Luật chăn nuôi và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật chăn nuôi.
- Tuyên truyền, tập huấn trên diện rộng các nội dung: Chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; công tác phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ tái phát dịch bệnh đến từng đối tượng cụ thể (người chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán lợn, cán bộ làm công tác thú y...).
- Tổ chức tuyên truyền chăn nuôi tái đàn lợn về nguyên tắc và các bước tái đàn lợn theo “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025” kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường truyền thông về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn dịch bệnh, tác hại đối với nền kinh tế, ngành chăn nuôi… do hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn gây ra.
- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, tổ chức các buổi tọa đàm hoặc viết thông điệp ngắn; xây dựng, in ấn tờ gấp, biển quảng cáo phân phát cho người chăn nuôi, dán ở nơi công cộng (chợ, nơi hội họp ở cấp thôn, xã).
- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về giám sát, xử lý ổ dịch cho cán bộ làm công tác thú y tại địa phương.
2. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng
a. Khi chưa có dịch xảy ra
- Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, lớn: Hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
- Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ: Hướng dẫn thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, trong đó có vi rút DTLCP. Khuyến khích áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
- Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán và giết mổ lợn bằng hóa chất khử trùng tiêu chuẩn dùng trong thú y hoặc vôi bột (có độ pH ≥12) hoặc; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
- Thực hiện các đợt tiêu độc khử trùng môi trường do Trung ương phát động. Ngoài ra căn cứ tình hình thực tế, các các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi.
b. Khi xảy ra dịch
- Tại ổ dịch (xã, phường có dịch) và vùng bị dịch uy hiếp (các xã, phường tiếp giáp với ổ dịch): Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo.
- Vùng đệm (các xã, phường tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp): Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.
3. Giám sát dịch bệnh
a. Giám sát chủ động
- Cơ quan chuyên môn chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút DTLCP tại cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi, chợ buôn bán, cơ sở kinh doanh, thu gom, điểm trung chuyển, tắm rửa lợn, cơ sở giết mổ lợn, cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ lợn, trên lợn, sản phẩm lợn nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn quản lý, môi trường chăn nuôi tại các địa bàn có nguy cơ cao.
- Chủ cơ sở nuôi lợn, thú y cơ sở chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn. Trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương; cơ quan thú y thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh DTLCP trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
b. Giám sát bị động
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm vi rút DTLCP và chẩn đoán phân biệt đối với: đàn lợn nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh DTLCP; đàn lợn nghi có tiếp xúc với đàn lợn mắc bệnh DTLCP; lợn rừng, lợn cảnh, lợn hoang dã bị ốm, chết không rõ nguyên nhân; mẫu môi trường; điều tra xác định nguyên nhân nếu nghi đàn lợn bị bệnh DTLCP.
- Điều tra ổ dịch, truy tìm nguồn bệnh: Chính quyền địa phương chỉ đạo, phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành điều tra ổ dịch (hộ, cơ sở chăn nuôi bị nhiễm DTLCP). Việc điều tra ổ dịch được triển khai tối thiểu 21 ngày trở về trước (trước khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng tại ca bệnh đầu tiên) và sẽ tiếp tục kéo dài đến thời điểm áp dụng các biện pháp kiểm soát ổ dịch.
4. Kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn
a. Trong trường hợp không có bệnh DTLCP
- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn tại nơi xuất phát: Thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển, các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; vệ sinh và phun thuốc sát trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển; vệ sinh, sát trùng người tham gia vận chuyển; tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp lợn nghi mắc bệnh, sản phẩm lợn nghi mang mầm bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý triệt bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh.
- Duy trì Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh kiểm tra thường xuyên việc lưu thông lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn tỉnh. Tại các huyện bố trí đầy đủ lực lượng liên ngành: Cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển ra qua địa bàn. Tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật đối với tất cả các lô hàng lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị bắt giữ.
- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn tại nơi đến: Thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển, các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; vệ sinh và phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển và người tham gia vận chuyển.
- Tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật đối với tất cả các lô hàng lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc bị bắt giữ.
b. Trong trường hợp có bệnh DTLCP
- Đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng có lợn mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP thì được vận chuyển để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện.
- Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có lợn mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP được vận chuyển để nuôi hoặc tiêu thụ thuộc địa bàn cấp tỉnh.
- Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc đã tham gia chương trình giám sát, lấy mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính các bệnh (bao gồm cả bệnh DTLCP), lợn không có triệu chứng của bệnh DTLCP trong vòng 21 ngày trước thời điểm vận chuyển, được phép vận chuyển ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Trường hợp vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải đáp ứng yêu cầu vận chuyển trong tỉnh và phải được thực hiện kiểm dịch theo quy định pháp luật thú y.
- Việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn được thực hiện theo quy định pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
5. Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn
- Cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định của Luật thú y và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung. Bố trí cán bộ thú y thực hiện việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
- Cơ sở giết mổ mổ phải được thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định.
- Thịt lợn và sản phẩm từ lợn sau khi giết mổ phải vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển lạnh chuyên dụng đáp ứng theo quy định khi đi tiêu thụ.
- Đảm bảo theo các quy định của pháp luật về thú y và an toàn thực phẩm.
III. KINH PHÍ PHÒNG CHỐNG DỊCH
1. Khi chưa có dịch xảy ra
a. Ngân sách cấp tỉnh
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động của Kế hoạch từ nguồn kinh phí sự nghiệp giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT, bao gồm:
- Tập huấn, thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch; đào tạo;
- Kinh phí mua hóa chất phun phòng chống dịch thực hiện Kế hoạch;
- Chủ động lấy mẫu, xét nghiệm mẫu; giám sát sự lưu hành vi rút DTLCP; điều tra ổ dịch;
- Các hoạt động kiểm tra, giám sát, hội nghị về phòng, chống DTLCP; Mua sắm dụng cụ, trang bị bảo hộ dùng trong phòng, chống dịch bệnh cho các lực lượng cấp tỉnh;
- Lồng ghép với các chương trình đề án, dự án khác để thực hiện kinh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi và chuỗi chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; Xây dựng các mô hình áp dụng các biện pháp tái đàn lợn hiệu quả; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chăn nuôi lợn phát triển bền vững phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.
Tổng kinh phí cho công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025 là: 5.448.000.000 đồng (Năm tỷ, bốn trăm bốn mươi tám triệu đồng).
Trong đó, kinh phí thực hiện năm 2021 là 1.089.600.000 đồng (Một tỷ, không trăm tám chín triệu, sáu trăm nghìn đồng).
Từ năm 2022 - 2025 căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính tham mưu và cân đối ngân sách để triển khai thực hiện.
b. Ngân sách cấp huyện, xã
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí kinh phí cho các hoạt động của Kế hoạch, bao gồm: Các hoạt động kiểm tra, giám sát, hội nghị về phòng, chống DTLCP ở cấp huyện, xã; mua sắm dụng cụ, trang bị bảo hộ dùng trong phòng, chống dịch bệnh cho các lực lượng của huyện, xã; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng do tỉnh phát động; kinh phí mua hóa chất phòng, chống dịch và tiền công cho các lực lượng cấp huyện, xã tham gia chống dịch.
c. Kinh phí do người dân tự bảo đảm
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải đảm bảo chi trả cho tiêm phòng vắc xin các bệnh nguy hiểm, kế phát cho đàn lợn (ngoài vắc xin đã hỗ trợ của tỉnh); lấy mẫu, xét nghiệm mẫu khi thực hiện kiểm dịch vận chuyển hoặc khi có nhu cầu giết mổ tiêu thụ; phí, lệ phí kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ngoại tỉnh; vôi bột, hóa chất khử trùng.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bị bệnh, nghi bị bệnh chi trả kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm và tiêu hủy (nếu bị bệnh).
2. Khi có dịch xảy ra
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính tham mưu kinh phí phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn buộc tiêu hủy, hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và tiền công cho các lực lượng cấp tỉnh tham gia chống dịch (căn cứ cơ chế chính sách của Trung ương và chi theo thực tế khi dịch bệnh xảy ra).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn; tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh theo quy định;
- Là đầu mối chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Tham mưu kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, xã.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y là đầu mối liên hệ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về thông tin dịch bệnh, phương pháp chẩn đoán, nghiên cứu chuyên sâu về bệnh; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, xây dựng và tham mưu ban hành các kế hoạch, chương trình có liên: chuỗi chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; phối hợp điều tra ổ dịch; xây dựng mô hình; cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ chăn nuôi lợn; nghiên cứu khoa học về vi rút và đặc điểm dịch tễ của bệnh; đào tạo, tập huấn, thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch và mua sắm vắc xin (nếu có), hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống dịch theo đúng yêu cầu chuyên môn;
- Tổ chức xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt: Phương án hỗ trợ tái đàn lợn; Đề án “Xây dựng vùng chăn nuôi lợn, gà an toàn dịch bệnh giai đoạn 2021-2025”;
- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang, Báo Bắc Giang và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường tuyên truyền và áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tổ chức hướng dẫn áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để tham mưu xây dựng nguồn kinh phí, bố trí kinh phí, xây dựng cơ chế chính sách và rà soát bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối, bố trí kinh phí phục vụ hoạt động phòng chống dịch theo quy định; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh DTLCP.
3. Sở Công Thương: Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường, xúc tiến thương mại tìm đầu ra đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, xây dựng giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường tiêu thụ thịt lợn.
4. Cục Quản lý Thị trường tỉnh: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường hoạt động đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch động vật và các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là đối với thịt lợn nhập khẩu, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
5. Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh: Tập trung kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ tỉnh ngoài vào tỉnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là sản phẩm nhập lậu, nghi nhập lậu vào tỉnh.
6. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; phối hợp kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn; phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
- Tổ chức dừng phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm để thực hiện việc kiểm soát vận chuyển và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
7. Sở Giao thông Vận tải: Phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan khẩn trương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy vận chuyển mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín vào tỉnh; chủ trì chỉ đạo các đơn vị vận tải, các bến xe khách quán triệt cho toàn bộ lái xe, nhân viên phục vụ không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đủ các thủ tục quy định về kiểm dịch.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tổ chức tiêu hủy an toàn đối với lợn bị mắc dịch, tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng môi trường khu vực chôn lấp, tiêu hủy lợn bị Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Y tế: Phối hợp với các sở ban ngành liên quan trong việc kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm từ lợn, đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh.
10. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng các đề tài nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP.
11. Các cơ quan thông tin truyền thông: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch; nêu rõ tác hại của việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; thông tin các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tránh gây hoang mang trong xã hội.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể Chính trị - xã hội chỉ đạo các hội, đoàn thể các cấp tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch DTLCP cấp huyện, chủ động ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện; bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện, quỹ đất để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch. Bố trí nguồn kinh phí nêu trong phần kinh phí thuộc trách nhiệm của cấp huyện;
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền cấp xã triển khai thực hiện các nội dung về phòng chống bệnh DTLCP theo nội dung kế hoạch đã ban hành và theo quy định của Luật Thú y, đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch;
- Theo dõi việc khai báo tái đàn và kê khai các cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/11/2019 và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ động vật; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn quản lý;
- Tổ chức chỉ đạo, tuyên truyền sản xuất chăn nuôi theo chuỗi, chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để hướng dẫn xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch DTLCP, tiếp nhận khai báo tái đàn và kê khai các cơ sở chăn nuôi theo quy định. Quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; thực hiện công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y, bố trí diện tích đất dự phòng đảm bảo về khoảng cách, đủ diện tích để phục vụ công tác tiêu hủy lợn khi xảy ra bệnh DTLCP.
Yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Ke-hoach-3589-KH-UBND-2020-phong-chong-benh-Dich-ta-lon-Chau-Phi-Bac-Giang-2020-2025-643680.aspx
Bài viết liên quan:
- Kế hoạch 603/KH-UBND 2025 thực hiện Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng thiểu số Bình Thuận
- Kế hoạch 41/KH-UBND 2025 phòng chống hạn hán thiếu nước xâm nhập mặn Thanh Hóa
- Kế hoạch 617/KH-UBND 2025 cải cách thủ tục hành chính Phú Thọ
- Kế hoạch 534/KH-UBND 2025 triển khai Kết luận Tổng Bí thư làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ Gia Lai
- Kế hoạch 543/KH-UBND 2025 kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính Phú Thọ
- Kế hoạch 2161/KH-UBND 2025 thực hiện Đề án Tăng cường chuyển đổi số công tác dân tộc Khánh Hòa
- Kế hoạch 753/KH-UBND 2025 thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh Bình Thuận
- Kế hoạch 454/KH-UBND 2025 ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia Gia Lai
- Kế hoạch 289/KH-UBND 2025 thực hiện công tác dân vận chính quyền Quảng Bình
- Kế hoạch 313/KH-UBND 2025 nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến Quảng Bình
- Kế hoạch 109/KH-UBND 2025 cải cách thủ tục hành chính trọng tâm Bắc Kạn
- Kế hoạch 137/KH-UBND 2025 thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh Nghệ An
- Kế hoạch 126/KH-UBND 2025 thực hiện kịch bản tăng trưởng GRDP theo Nghị quyết 25/NQ-CP Nghệ An
- Kế hoạch 112/KH-UBND 2025 thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp Bắc Kạn
- Kế hoạch 70/KH-UBND 2025 thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8 trở lênTiền Giang
- Kế hoạch 68/KH-UBND 2025 thực hiện Chương trình hành động 43-CTr/TU Vũng Tàu
- Kế hoạch 63/KH-UBND 2025 thực hiện Quy định 189-QĐ/TW phòng chống tham nhũng Vũng Tàu
- Kế hoạch 65/KH-UBND 2025 thực hiện công tác phòng chống ma túy Tiền Giang
- Kế hoạch 37/KH-UBND 2025 thực hiện Kết luận 107-KL/TW công tác tiếp công dân Nam Định
- Kế hoạch 43/KH-UBND 2025 thực hiện Nghị quyết 190/2025/QH15 xử lý vấn đề sắp xếp bộ máy Cần Thơ