Kế hoạch 649/KH-UBND 2025 triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Bình Thuận

Kế hoạch 649/KH-UBND 2025 triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Bình Thuận

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 649/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 21 tháng 02 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 1352/QĐ-TTg ngày 08/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm các nội dung cụ thể như sau:

I. Quan điểm và mục tiêu:

1. Quan điểm:

- Xây dựng và thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

- Áp dụng xuyên suốt quan điểm bảo tồn để phát triển, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững;

- Kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; chú trọng phục hồi, nâng cấp chất lượng các đối tượng quy hoạch đang bị suy thoái; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ;

- Tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nguồn vốn tự nhiên cho phát triển bền vững đất nước;...

- Thống nhất theo các tiêu chí của Luật Đa dạng sinh học trên cơ sở phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả và duy trì tính ổn định của các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học hiện có;

- Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong việc triển khai quy hoạch, quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học;

- Huy động tối đa các nguồn lực xã hội; tăng cường các biện pháp dựa vào thiên nhiên, phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học phục vụ bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh và bền vững.

2. Mục tiêu chung: Tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý và bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

3. Mục tiêu cụ thể:

3.1. Giai đoạn đến năm 2030:

- Nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên đã thành lập; chuyển tiếp 03 khu bảo tồn hiện có (Núi Ông, Tà kóu, Hòn Cau).

- Phối hợp hình thành và tổ chức quản lý hiệu quả hành lang đa dạng sinh học Côn đảo - Phú Quý, khu vực đa dạng sinh học cao Phan Rang - Hòn Cau, vùng nước trồi Bình Thuận - Ninh Thuận. Hình thành và quản lý khu vực đa dạng sinh học cao La Gi, cảnh quan sinh thái quan trọng đồi cát đỏ Bắc Bình - Hàm Thuận Nam.

3.2. Tầm nhìn đến năm 2050:

- Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm, các nguồn gen có giá trị bảo tồn được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.

- Bố trí định hướng không gian cho bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với định hướng sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội[1] góp phần bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên đối với phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy, tăng cường sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái; phát triển đa dạng sinh học đô thị, bảo đảm các chỉ tiêu về không gian xanh, chỉ tiêu về cây xanh đô thị, xây dựng hệ thống các khu vực đa dạng sinh học đô thị.

II. Giải pháp thực hiện:

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách:

- Áp dụng các cơ chế khuyến khích cho tổ chức, cá nhân tham gia thành lập, vận hành cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật; cơ chế phát triển du lịch sinh thái, du lịch bền vững gắn với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái quan trọng, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng;

- Tăng cường công tác thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Giải pháp về khoa học và công nghệ:

- Đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu hoàn thiện kết nối liên thông hệ thống thông tin, trong đó có cơ sở dữ liệu về quy hoạch. Quản lý, cập nhật biến động các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học;

- Tăng cường áp dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học;

- Khuyến khích, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc bảo tồn, phát triển bền vững các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học;

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững đa sinh học; tập trung ứng dụng, phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên; bảo tồn các loài đặc hữu, nguy cấp, ngăn chặn sự suy thoái của các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên; các mô hình du lịch sinh thái hiệu quả; phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

3. Giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực:

- Áp dụng các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp với từng đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý, giám sát đa dạng sinh học và cán bộ có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương gắn với các đối tượng của quy hoạch; trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cho đội ngũ làm công tác bảo tồn tại các địa phương nhằm phát huy năng lực bảo tồn tại chỗ;

- Đẩy mạnh kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan; khai thác nguồn lực tri thức từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và ngoài nước;

- Tăng cường năng lực và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát huy giá trị đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

4. Giải pháp về tài chính, đầu tư:

- Bảo đảm nguồn lực để thành lập, quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng,...;

- Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ ưu tiên của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học;

- Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái; đa dạng hoá nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học, mô rộng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường; đẩy mạnh khai thác các nguồn lực tại chỗ, vận dụng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp nhằm tạo sinh kế bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

5. Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng:

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm cho mọi tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; đa dạng hóa các kênh truyền thông về đa dạng sinh học như phát hành các ấn phẩm chuyên ngành, hệ thống phát thanh, truyền hình, mạng xã hội...;

- Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, nhân rộng những điển hình tiên tiến;

- Kết hợp với các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trường học, ... để lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học, phổ biến kiến thức bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên;

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

6. Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu:

- Đánh giá và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học;

- Xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện kế hoạch:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, đề xuất điều chỉnh theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện các dự án ưu tiên thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh (các Khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước, đất ngập nước quan trọng, ... ưu tiên bảo vệ theo quy hoạch, tình hình thực tế tại địa phương) và lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập theo thẩm quyền;

- Hướng dẫn thủ tục, trình tự lập hồ sơ, thẩm định các dự án thành lập khu bảo tồn, vùng đất ngập nước, ... theo thẩm quyền quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện các nội dung Quy hoạch thuộc chức năng quản lý của ngành.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất thành lập các Khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước, đất ngập nước quan trọng, ... theo tình hình thực tế tại địa phương và theo thẩm quyền quản lý.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

- Giám sát tình hình thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán hàng năm của các sở, ban, ngành xây dựng và căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương; Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách tỉnh để thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Trên cơ sở đề xuất của các tổ chức, cá nhân và nhu cầu thực tiễn của cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức thực hiện các yêu cầu về quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các nội dung Quy hoạch thuộc chức năng quản lý của ngành.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, đa dạng hóa các kênh truyền thông về đa dạng sinh học; xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

8. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan quản lý, giám sát chặt chẽ, giải quyết các vấn đề có liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

9. Các sở, ban, ngành còn lại thuộc tỉnh: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lồng ghép các nội dung của Kế hoạch trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện của ngành đảm bảo phù hợp với quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí nguồn lực, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo quy hoạch đa dạng sinh học.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Căn cứ nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương, quy định của pháp luật, tiến hành rà soát, nghiên cứu đề xuất tỉnh cập nhật, bổ sung trong quy hoạch tỉnh các các khu bảo tồn thiên nhiên, các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng,... trên địa bàn tỉnh;

- Bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung của Quy hoạch;

- Xây dựng, triển khai thực hiện dự án thành lập, mở rộng các đối tượng thuộc Quy hoạch theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

IV. Theo dõi, đánh giá việc thực hiện:

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.

- Định kỳ 05 năm, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện, kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch (nếu có) phù hợp với tình hình thực tế. Báo cáo đánh giá định kỳ được gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trong Quý III của năm cuối kỳ để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là nội dung thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình thực hiện trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT,TTTT, KT. Vương.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Đăng

 



[1] Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội ngày 13/11/2021 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Ke-hoach-649-KH-UBND-2025-trien-khai-Quy-hoach-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-quoc-gia-Binh-Thuan-644490.aspx


Bài viết liên quan: