Nghị quyết 192/NQ-HĐND 2024 quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở Điện Biên

Nghị quyết 192/NQ-HĐND 2024 quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở Điện Biên

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 11 tháng 7 năm 2024

NGHỊ QUYẾT

QUYẾT ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ MƯỜI LĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Căn cứ Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;

Căn cứ Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 2853/TTr-UBND, ngày 26 tháng 6 năm 2024 về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Báo cáo thẩm tra số 51/BC-BPC ngày 04 tháng 7 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên, gồm các nội dung như sau:

1. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, chính quyền; vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên hiệu quả trong thực hiện; phù hợp, thống nhất với các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở;

b) Bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở phải thực chất, hiệu quả, thường xuyên và trở thành nền nếp; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp;

c) Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, bảo đảm trật tự, kỷ cương;

d) Nâng cao nhận thức trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp; phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

2. Mục tiêu thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Hằng năm có trên 10%, phấn đấu đến năm 2030 có trên 70% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ phụ trách, theo dõi việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở;

b) Hằng năm có trên 10%, phấn đấu đến năm 2030 có trên 70% Trưởng thôn, bản, tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, người tham gia soạn thảo hương ước, quy ước được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước;

c) Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; phấn đấu đến năm 2030 có trên 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trên 60% Nhân dân được tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở;

d) Đến năm 2030 có trên 90% cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn; trên 70% thôn, bản, tổ dân phố ứng dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông hợp pháp trong hoạt động và thực hiện dân chủ ở cơ sở;

đ) 100% cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công người phụ trách, theo dõi việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo đúng quy định. Hội đồng nhân dân các cấp ban hành Nghị quyết quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

e) 100% cơ quan, đơn vị, địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo, ban hành và thực hiện tốt quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hằng năm 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; 100% xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; trên 80% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động;

g) Đến năm 2030 có trên 95% thôn, bản, tổ dân phố ban hành hương ước, quy ước và được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo quy định;

h) Đến năm 2030 có trên 90% Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được kiện toàn thường xuyên và hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

3. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở

- Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.

- Các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp bố trí công chức, viên chức có năng lực để tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phạm vi phụ trách. Đổi mới phương thức quản lý và thường xuyên kiểm tra chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở cho người được phân công theo dõi, phụ trách; thành viên Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, người tham gia soạn thảo hương ước, quy ước về kỹ năng xây dựng hương ước, quy ước và các nội dung khác có liên quan. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu, thực tiễn tại cơ sở.

b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao nhận thức của Nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của chính quyền, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng hình thức, phương pháp phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo thực chất, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhất là giữa cơ quan tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nắm chắc đặc điểm của từng địa bàn, đối tượng để có nội dung, phương pháp tuyên truyền pháp luật phù hợp.

c) Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

- Người đứng đầu phải phụ trách trực tiếp, đồng thời phân công ít nhất một người theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả dân chủ ở cơ sở; tổ chức công khai, minh bạch những nội dung phải công khai thông tin, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh chính đáng; đảm bảo quyền được biết, được bàn, tham gia ý kiến, quyết định, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung đã được quyết định của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; thực hiện dân chủ đại diện; mở rộng dân chủ trực tiếp; nêu cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ và đảm bảo quyền thụ hưởng của Nhân dân theo quy định của pháp luật.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ chức trao đổi, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ thôn, bản, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Gắn việc thực hiện dân chủ với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Lấy kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức và người lãnh đạo, quản lý.

- Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng chính quyền cấp xã thân thiện và việc đánh giá, xếp loại chính quyền cấp xã; công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành, đảm bảo cho Nhân dân được tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân hằng năm.

- Người đứng đầu các doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cùng cấp (nếu có) tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả dân chủ ở doanh nghiệp đang quản lý theo đúng quy định tại Chương IV Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổ chức công khai thông tin, tổ chức cho người lao động tham gia ý kiến, bàn, quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại nơi làm việc, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo đúng các quy định của pháp luật; phát huy vai trò, nghĩa vụ của người lao động tham gia phát triển doanh nghiệp...

d) Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số. Đẩy mạnh vận động người dân sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart; hỗ trợ, khuyến khích các sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền thân thiện; xây dựng, phát triển và sử dụng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh, của ngành, địa phương.

- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, bản, tổ dân phố tăng cường ứng dụng các nền tảng mạng viễn thông, mạng xã hội hợp pháp trong hoạt động và thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở trong các hoạt động.

đ) Thi đua, khen thưởng, biểu dương các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở

Tổ chức các cuộc vận động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; phát hiện và kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác vận động quần chúng, nhất là người lao động trực tiếp, người có uy tín ảnh hưởng trong việc phát huy, tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận.

e) Tăng cường các chế tài bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi và đời sống của Nhân dân.

- Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương xã hội; tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu Nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác; tích cực ngăn chặn các tệ nạn xã hội, hành vi gây mất an ninh trật tự ở cơ sở; tiếp nhận và xem xét xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

- Chú trọng phát huy dân chủ trong công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, lắng nghe và giải quyết ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người dân và tổ chức đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng pháp luật, tạo sự đồng thuận, tăng cường đoàn kết trong Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ hoặc hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

- Các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập công bố số điện thoại, địa chỉ tiếp nhận thư điện tử, tin nhắn và số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin, mã QR Code tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để người dân tiếp cận thanh toán tiện ích công, đánh giá công tác tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ và giải quyết thủ tục hành chính.

- Các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của tỉnh và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

g) Nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức Công đoàn các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên hướng dẫn các loại hình cơ sở củng cố, kiện toàn, hỗ trợ, tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy hiệu quả hoạt động tại cơ sở; lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất, năng lực tốt, được tín nhiệm làm công tác thanh tra nhân dân. Các thành viên tham gia Ban Thanh tra nhân dân phải có bản lĩnh, không ngại va chạm, ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định; được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cơ bản để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

- Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật và kế hoạch đề ra; phát huy vai trò, trách nhiệm đại diện cho công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở; tiếp nhận, giải quyết kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.

h) Bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở

- Kinh phí bảo đảm để triển khai thực hiện Nghị quyết được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, kinh phí tự chủ của doanh nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Khuyến khích xã hội hóa và vận động các nguồn lực hợp pháp để phục vụ cho công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

4. Cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan và các loại hình cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết trong phạm vi quản lý.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên Khóa XV, kỳ họp thứ Mười lăm thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2024.

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính Phủ;
- Các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, VHTT&DL;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, LĐ UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- LĐ, CV Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Điện Biên Phủ;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Cổng TTĐT Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lò Văn Phương

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-192-NQ-HDND-2024-quyet-dinh-bien-phap-bao-dam-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-Dien-Bien-647292.aspx


Bài viết liên quan: