Công văn 5123/BHXH-CSXH 2014 tổng hợp vướng mắc tổ chức thực hiện Quyết định 52/2013/QĐ-TTg

Công văn 5123/BHXH-CSXH 2014 tổng hợp vướng mắc tổ chức thực hiện Quyết định 52/2013/QĐ-TTg

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5123/BHXH-CSXH
V/v tổng hợp vướng mắc trong tổ chức thực hiện Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2014

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu và Công văn số 659/BGDĐT-TCCB ngày 17/02/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ ngày 14/11/2014 được thay thế bằng Công văn số 6499/BGDĐT-TCCB), cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã cơ bản giải quyết được đầy đủ chế độ trợ cấp, đảm bảo quyền lợi của các nhà giáo. Do BHXH Việt Nam không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên còn một số nội dung vướng mắc không có trong quy định cần được hướng dẫn thực hiện. Phúc đáp Công văn số 7035/BGDĐT-TCCB ngày 04/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam tổng hợp gửi quý Bộ các nội dung sau đây:

1. Các trường hợp chưa quy định cụ thể tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg , đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định:

- Về xác định phạm vi điều chỉnh: Tại Điều 1 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Như vậy, phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo quy định này có bao gồm phụ cấp thâm niên quân đội, công an, cơ yếu và phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác như hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm lâm, thi hành án dân sự, kiểm tra Đảng hoặc thâm niên vượt khung không?

- Tại Khoản 2, Điều 3 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg chưa quy định rõ các trường hợp chờ đủ tuổi, bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trước ngày 31/5/2011, được giải quyết hưởng lương hưu kể từ ngày 01/6/2011 trở về sau có được tính hưởng trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg không?

- Nhà giáo trong biên chế đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền phân công làm công tác quản lý hoặc giảng dạy tại cơ sở giáo dục bán công thì nghỉ hưu;

- Nhà giáo có thời gian trước khi nghỉ hưu là chuyên gia giáo dục ở nước ngoài;

2. Theo nội dung Công văn số 6499/BGDĐT-TCCB có một số điểm khác so với Công văn số 659/BGDĐT-TCCB , cụ thể như sau:

- Tại Điểm b, Khoản 2 Công văn số 659/BGDĐT-TCCB hướng dẫn đối với trường hợp là nhà giáo chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trước ngày 31/5/2011, được giải quyết hưởng lương hưu từ ngày 01/6/2011 trở về sau thuộc đối tượng áp dụng tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg , BHXH Việt Nam đã có Công văn số 891/BHXH-CSXH ngày 19/3/2014 hướng dẫn BHXH các tỉnh thành phố giải quyết, trừ trường hợp từ ngày 01/11/2013 trở đi mới đủ điều kiện hưởng lương hưu thì chưa được cơ quan BHXH giải quyết vì không có mức lương hưu tháng 10/2013 (thời điểm Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg có hiệu lực) để tính trợ cấp. Nay theo Công văn số 6499/BGDĐT-TCCB hướng dẫn đối với nhà giáo chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 và hội đủ các điều kiện quy định tại Điều 3 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.

Như vậy, đối với nhà giáo chờ đủ tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011, từ ngày 01/6/2011 đến tháng 10/2013 đã được cơ quan BHXH giải quyết hưởng lương hưu và đã giải quyết hưởng trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg thì xử lý như thế nào?

- Tại Khoản 1 Công văn số 659/BGDĐT-TCCB hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập nêu tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg trong đó có các trường mầm non (kể cả nhà trẻ, trường mẫu giáo thuộc các nhà máy, công ty, xí nghiệp, nông trường, lâm trường hoặc các đơn vị khối hành chính sự nghiệp trước đây) nên BHXH các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho các trường hợp này, nay theo Công văn số 6499/BGDĐT-TCCB không có đối tượng này thì những trường hợp đã được giải quyết hưởng trợ cấp sẽ xử lý như thế nào?

- Về thời gian được tính hưởng trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg: Tại Điều 4 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg quy định: “Số năm được tính trợ cấp là thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục công lập đã được tính hưởng chế độ hưu trí”, tuy nhiên, tại Công văn số 6499/BGDĐT-TCCB ngày 14/11/2014 có nêu thời gian được tính hưởng được quy định tại các văn bản trong đó có Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, Thông tư này quy định thời gian tính hưởng được xác định bằng tổng thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập), như vậy nội dung này không thống nhất với Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg .

3. Một số trường hợp cụ thể, đối chiếu với quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg không thuộc đối tượng nhưng người đang hưởng lương hưu tiếp tục đề nghị được hưởng, đến nay chưa được hướng dẫn:

3.1. Những trường hợp trước khi nghỉ hưu không trực tiếp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục công lập:

- Nhà giáo đủ điều kiện nghỉ hưu trước ngày 31/5/2011 (một số trường hợp thời điểm hưởng lương hưu đã ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập trước ngày 31/5/2011) nhưng thời điểm hưởng lương hưu thực sự kể từ ngày 01/6/2011 trở đi, trong lương hưu không có phụ cấp thâm niên;

- Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập, do vi phạm pháp luật bị phạt tù giam (không thuộc đối tượng chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu) sau khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt tù một thời gian được giải quyết hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 hoặc sau tháng 5/2011 mà trong lương hưu không bao gồm phụ cấp thâm niên;

- Nhà giáo trước khi nghỉ hưu không trực tiếp giảng dạy mà tham gia đóng BHXH tự nguyện;

- Nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy, sau đó được chuyển sang làm công tác văn thư, kế toán, thư viện, cán bộ phòng giáo vụ, đào tạo, tổ chức cán bộ....; chuyên viên, phó phòng, trưởng phòng giáo dục... thuộc cơ sở giáo dục công lập rồi mới nghỉ hưu (có trường hợp vẫn giữ ngạch 15... khi nghỉ hưu), hoặc chuyển sang ngành khác không trực tiếp giảng dạy;

- Nhà giáo nghỉ hưu khi giữ chức danh nguyên hiệu trưởng, nguyên hiệu phó các trường hoặc nguyên giám đốc, nguyên phó giám đốc các trung tâm, các trường có thời gian từ 3 đến 6 tháng, hoặc từ 01 năm trở lên với mức lương không thay đổi hoặc có thay đổi;

- Hồ sơ hưu trí ghi chức danh là giáo viên nhưng thực tế theo đặc thù của địa phương những nhà giáo này không trực tiếp giảng dạy trước khi nghỉ hưu (là đặc thù riêng tại tỉnh Nghệ An), nếu giải quyết thì các nhà giáo tại địa phương có ý kiến những nhà giáo này không thuộc đối tượng.

3.2. Những trường hợp trước khi nghỉ hưu giữ các chức danh và làm việc tại các cơ quan, đơn vị sau:

- Các chức danh quản lý, giảng viên trung tâm nghiên cứu, ký túc xá, viện nghiên cứu trực thuộc các trường đại học;

- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường mầm non bán công, dân lập; chủ nhiệm nhà trẻ, bảo mẫu trong các trường mẫu giáo, nhà trẻ;

- Các chức danh trợ giảng, giám thị, giáo vụ, tập sự giảng dạy;

- Giáo viên trong nhà máy của quân đội;

- Chức danh quản lý tại các xưởng trường, cán bộ phụ trách thiết bị ... thuộc cơ sở giáo dục công lập;

- Trại phó, trại trưởng, quản đốc xưởng thực tập, xưởng phó, xưởng trưởng của các trường cao đẳng, đại học;

- Tổng biên tập tạp chí thuộc trường đại học giữ ngạch giảng viên;

- Hồ sơ hưu trí thể hiện giữ các ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thuộc các phân viện, các viện thuộc các cơ sở giáo dục công lập, các trung tâm bồi dưỡng chính trị;

- Giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề;

- Chuyên trách giáo dục thường xuyên thuộc trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện, chuyên trách bổ túc văn hóa xã, chuyên trách mầm non xã;

- Giáo viên thiết bị, giáo viên dạy bổ túc văn hóa, cán bộ chuyên môn phòng thuộc phòng giáo dục quận, huyện, giáo viên phổ cập các trường thuộc phòng giáo dục, chuyên trách phổ cập;

- Giáo viên thuộc phòng giáo dục dạy ở các trung tâm giáo dục quận, huyện; giáo viên thuộc xã không có tên trường;

- Giáo viên ban tuyên huấn tỉnh, cán bộ trường chính trị tỉnh;

- Nhân viên nuôi dưỡng tại các trường khuyết tật thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Kỹ thuật viên tại các trường trung học y, cao đẳng y, đại học y dược;

- Thời gian giảng dạy, quản lý tại các trường ngoài công lập, dân lập.

3.3. Những trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg , trong quá trình công tác trước đó có thời gian công tác giữ các chức danh đã nêu tại điểm 3.2 hoặc có thời gian công tác tham gia BHXH như sau:

- Thời gian là giáo viên dạy mẫu giáo tại các xã, thị trấn sau năm 1978;

- Cô nuôi dạy trẻ tại các nhà máy, công ty, xí nghiệp; cô nuôi dạy trẻ, cô giáo tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo thuộc các nhà máy, công ty, xí nghiệp nông trường, lâm trường hoặc các đơn vị khối hành chính sự nghiệp trước đây;

- Giáo viên vỡ lòng dân lập, dân nuôi do Ủy ban nhân dân xã phường tổ chức (hưởng công điểm như xã viên hợp tác xã);

- Giáo viên dạy bình dân học vụ (cơ sở cách mạng vùng tạm chiếm được công nhận quá trình công tác).

3.4. Một số trường hợp cụ thể đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg nhưng cơ quan BHXH chưa có căn cứ giải quyết:

- Trước khi nghỉ hưu là Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, có xác nhận kiêm nhiệm chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên (ông Hoàng Minh Thắng, số sổ 2396034660);

- Trước khi nghỉ hưu là cô nuôi dạy trẻ tại Trại Giống lúa cây trồng Trung ương Đồng Văn (bà Lê Thị Hồng Gấm, số sổ 6003002028 - Hà Nam);

- Trước khi nghỉ hưu là giáo viên dạy nghề Công ty Lắp máy và Xây dựng Bỉm Sơn Thanh Hóa (ông Trần Văn Sủng, số sổ 2797054801);

- Trước khi nghỉ hưu là Giám đốc Trung tâm Đào tạo vận động viên Sở thể dục thể thao thành phố Hải Phòng không thể hiện đang trực tiếp giảng dạy (ông Hoàng Quảng Duyên, số sổ 0397059553);

- Ông Nguyễn Thanh Tuyền có thời gian từ năm 1993 đến năm 1996 là Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính kế toán Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1996 đến năm 2002 là Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, từ năm 2002 đến năm 2007 là Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển kinh tế;

- Trước khi nghỉ hưu là chuyên viên chính, Phó Giám đốc, Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ, công chức Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (ông Nguyễn Phú Hữu, số sổ 0198032020);

- Trước khi nghỉ hưu là chuyên viên cao cấp Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (ông Bùi Quang Hạnh, số sổ 96476320);

- Trước khi nghỉ hưu là chuyên viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (ông Lê Văn Lý, số sổ 0198031750);

- Hồ sơ hưu trí thể hiện từ tháng 01/1964 đến tháng 3/1968 là giáo viên Trường Hữu nghị, Hiệu trưởng Trường Bassac thuộc Ban Cán sự Đảng Việt Kiều Campuchia thuộc Trung ương cục Miền Nam (ông Đào Thái, số sổ 0296370820);

- Trước khi nghỉ hưu là cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện (bà Nguyễn Thị Hồng - Sơn La);

- Trước khi nghỉ hưu, do vi phạm pháp luật bị phạt tù giam không trực tiếp giảng dạy (ông Nguyễn Văn Tế, số sổ 1512000001 là giáo viên Trường Cấp 1 từ tháng 9/1960 đến tháng 8/1982 là 22 năm, tháng 9/1982 bị kết án 03 năm tù giam, tháng 11/1984 ông Tế được đặc xá tha tù, được hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/3/2012).

- Nhiều trường hợp cung cấp giấy xác nhận của cơ quan cũ trước khi nghỉ hưu về thời gian trực tiếp giảng dạy đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với nhà giáo;

- Chưa có văn bản quy định chế độ công tác giảng dạy của các trường hợp là kỹ thuật viên, kỹ thuật bộ môn, nhân viên thí nghiệm của trường dạy nghề, trường cao đẳng, đại học.

- Hồ sơ hưu trí hoặc Bản xác nhận quá trình tham gia BHXH do đơn vị sử dụng lao động lập mà chức danh nghề nghiệp không khớp đúng với hồ sơ gốc của người lao động thì xử lý thế nào? Có sử dụng hồ sơ làm việc để giải quyết không hay chỉ sử dụng hồ sơ hưu trí để giải quyết?

Trên đây là một số nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ trợ cấp đối với nhà giáo, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất hướng dẫn để cơ quan BHXH có căn cứ thực hiện./.


Nơi nhận:

- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Lưu: VT, CSXH (2b).

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đỗ Thị Xuân Phương

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Lao-dong-Tien-luong/Cong-van-5123-BHXH-CSXH-2014-tong-hop-vuong-mac-to-chuc-thuc-hien-Quyet-dinh-52-2013-QD-TTg-274286.aspx


Bài viết liên quan: