Nghị định 139/2024/NĐ-CP thể thức bay kèm bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam mới nhất

Nghị định 139/2024/NĐ-CP thể thức bay kèm bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam mới nhất

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ THỨC BAY CHẶN, BAY KÈM, BAY ÉP TÀU BAY VI PHẠM VÙNG TRỜI VIỆT NAM HẠ CÁNH TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 08 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Biên giới Quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; lực lượng bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh.

2. Tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động hàng không dân dụng trong vùng trời Việt Nam; cơ quan, đơn vị quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam là tàu bay bay vào vùng trời Việt Nam khi chưa được các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp phép.

2. Tàu bay vi phạm phép bay là tàu bay đã được cấp phép bay đang bay trong vùng trời Việt Nam nhưng vi phạm nội dung phép bay (vi phạm khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, quy tắc bay; bay không đúng các dữ liệu về thời gian, độ cao, khu vực ghi trong phép bay).

3. Tàu bay vi phạm quy tắc bay là tàu bay không tuân theo một trong các quy tắc sau: Quy tắc bay tổng quát và Quy tắc bay bằng mắt, hoặc Quy tắc bay bằng thiết bị và các quy định của Quy tc bay về bay, quản lý và điều hành bay trong vùng trời Việt Nam.

4. Can thiệp bất hợp pháp vào tàu bay đang bay, uy hiếp đến an toàn bay là vi phạm một hoặc các hành vi sau:

a) Chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay đang bay;

b) Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

c) Bắt giữ con tin trong tàu bay;

d) Đưa, sử dụng vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay trái pháp luật, bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm, được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người và an toàn của chuyến bay.

5. Bay chặn là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp cận tàu bay vi phạm ở vị trí phù hợp và phát đi các ký, tín hiệu nhằm ngăn chặn không cho tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam.

6. Bay kèm là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện bay ở vị trí phù hợp với tàu bay vi phạm để dẫn dắt, hướng dẫn bay cho đến khi kết thúc vi phạm.

7. Bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam bay ở vị trí phù hợp với tàu bay vi phạm để phát đi các ký, tín hiệu và buộc tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Chương II

XỬ LÝ TÀU BAY VI PHẠM VÙNG TRỜI VIỆT NAM

Mục 1. TÀU BAY VI PHẠM VÙNG TRỜI BỊ BAY CHẶN, BAY KÈM, BAY ÉP HẠ CÁNH TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Điều 4. Tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm

1. Tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam.

2. Tàu bay bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay.

Điều 5. Tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay

Tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Tàu bay đang bay trong vùng trời việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp.

2. Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm nhưng không chấp hành hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện bay chặn, bay kèm.

Mục 2. THỂ THỨC BAY CHẶN, BAY KÈM, BAY ÉP TÀU BAY VI PHẠM VÙNG TRỜI VIỆT NAM HẠ CÁNH TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN, KÝ, TÍN HIỆU

Điều 6. Thể thức bay chặn, bay kèm tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam

Tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thực hiện theo phương thức sau:

1. Tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát; sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động từ tàu bay bay chặn, bay kèm.

2. Sau khi tàu bay vi phạm nhận được thông tin cn thiết và chấm dứt vi phạm, tàu bay bay chặn, bay kèm thoát ly khỏi khu vực.

Điều 7. Thể thức bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

1. Tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thực hiện theo phương thức sau:

a) Tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát; sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động yêu cầu hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định;

b) Sau khi tàu bay vi phạm hạ cánh an toàn tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, tàu bay bay ép thoát ly khỏi khu vực hoặc hạ cánh theo mệnh lệnh của chỉ huy bay quân sự.

2. Điều kiện cảng hàng không, sân bay được chỉ định

Cảng hàng không, sân bay phải phù hợp về điều kiện kỹ thuật bảo đảm cho loại tàu bay vi phạm hạ cánh; địa hình khu vực sân bay phù hợp cho bay vòng, tiếp cận khu vực sân bay để vào hạ cánh; tàu bay vi phạm có đủ nhiên liệu để đến sân bay được chỉ định hạ cánh. Ưu tiên chỉ định hạ cánh tại sân bay có hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 8. Sử dụng thông tin và ký, tín hiệu

Tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép sử dụng ký, tín hiệu bằng vô tuyến điện hoặc các hành động yêu cầu tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam chấp hành đúng chỉ dẫn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Mục 3. XỬ LÝ TÀU BAY VI PHẠM VÙNG TRỜI, HẠ CÁNH TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Điều 9. Xử lý tàu bay vi phạm vùng trời không chấp hành hiệu lệnh của tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh

Khi tàu bay vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, có nguy cơ gây mất an toàn đến mục tiêu quan trọng hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, việc xử lý thực hiện theo quy định xử lý tình huống tác chiến phòng không của Bộ Quốc phòng.

Điều 10. Lực lượng thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

1. Tàu bay, lực lượng đang làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và sự phối hợp điều hành của lực lượng quản lý hoạt động bay hàng không dân dụng.

2. Căn cứ tình huống cụ thể đối với từng loại tàu bay vi phạm và khu vực vi phạm, cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng lực lượng đang làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu ở khu vực phù hợp thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh.

Điều 11. Thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ quyết định bay chặn, bay kèm, bay ép đối với tàu bay chuyên cơ vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Điều 12. Quy trình xử lý tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam

1. Cơ quan quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam

a) Kịp thời báo cáo người chỉ huy cấp mình, sở chỉ huy cấp trên và thông báo cho các đơn vị quản lý bay hàng không dân dụng và các cơ quan, đơn vị hiệp đồng liên quan;

b) Khi có lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lực lượng Không quân thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định này;

c) Trường hợp tiếp nhận thông tin tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam từ Quân chủng Hải quân, các Quân khu hoặc các cơ sở quản lý không lưu hàng không dân dụng phải tiến hành xác minh thông tin trước khi triển khai các bước xử lý theo quy định tại điểm a, b khoản này.

2. Cơ sở điều hành bay hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay có tàu bay vi phạm hạ cánh

Trường hợp triển khai bay chặn, bay kèm, bay ép đối với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại sân bay chỉ định, cơ sở điều hành bay hàng không dân dụng thực hiện nhiệm vụ sau:

a) Hiệp đồng, phối hợp với đơn vị quân đội liên quan trong quá trình thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay;

b) Thiết lập liên lạc với đơn vị chỉ huy bay chặn, bay kèm, bay ép; tiếp tục duy trì liên lạc hai chiều với tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép và cung cấp cho tàu bay này những thông tin đã biết liên quan đến tàu bay vi phạm;

c) Thông báo cho cơ sở điều hành bay kế cận nếu tàu bay vi phạm bay vào khu vực trách nhiệm của cơ sở điều hành bay này;

d) Sau khi tàu bay vi phạm hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không, sân bay chỉ định. Cơ sở điều hành bay hướng dẫn tàu bay vi phạm lăn vào vị trí đỗ.

Điều 13. Lực lượng xử lý tàu bay vi phạm vùng trời, bị bay ép hạ cánh

1. Lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Lực lượng phối hợp, hiệp đồng thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan.

3. Lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 14. Phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia xử lý tàu bay vi phạm vùng trời bị bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

1. Nguyên tắc phối hợp, hiệp đồng

a) Tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Phù hp với chính sách, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Chủ động, tích cực, có đối sách phù hợp với từng vụ vi phạm;

d) Thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

đ) Trao đổi thông tin giữa các lực lượng trong quá trình xử lý tàu bay vi phạm bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

2. Nội dung phối hợp, hiệp đồng

a) Hiệp đồng chỉ huy, điều hành xử lý tàu bay vi phạm vùng trời bị bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh do Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trì hiệp đồng với cơ quan, đơn vị hàng không dân dụng trong điều hành tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam;

b) Hiệp đồng xử lý tàu bay vi phạm sau khi hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cảng hàng không, sân bay chủ trì, chỉ đạo các lực lượng liên quan phối hợp triển khai xử lý tàu bay vi phạm hạ cánh theo phương án, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn;

Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, hiệp đồng phối hợp với lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động tại cảng hàng không tham gia xử lý tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay;

Đơn vị không quân đóng quân tại sân bay quân sự được chỉ định bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan xử lý khi tàu bay vi phạm hạ cánh.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

Điều 15. Bộ Quốc phòng

1. Chủ trì tổ chức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các ban, bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cảng hàng không, sân bay để triển khai lực lượng tổ chức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

3. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, tăng cường luyện tập các phương án bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam phù hợp với tính chất nhiệm vụ, loại máy bay do đơn vị đang khai thác sử dụng.

Điều 16. Bộ Giao thông vận tải

1. Xây dựng, đào tạo, huấn luyện và trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho lực lượng chức năng thuộc quyền quản lý.

2. Chỉ đạo xây dựng các phương án bố trí, điều động lực lượng, các nguồn lực và tác nghiệp cụ thể của các lực lượng thuộc quyền quản lý.

3. Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan trong hợp tác quốc tế để xử lý tình huống đối với tàu bay quốc tịch nước ngoài vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm, ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

4. Giao Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các nội dung, tổ chức các cuộc diễn tập cấp quốc gia theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia về xử lý tình huống khi tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Điều 17. Bộ Công an

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng điều hành, tổ chức các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không khi tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị công an phối hợp với các đơn vị thuộc các ban, bộ, ngành và chính quyền địa phương có liên quan trong việc thực hiện các biện pháp xử lý đối với tàu bay vi phạm và người trên tàu bay sau khi tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Điều 18. Bộ Tài chính

1. Chỉ đạo các đơn vị Hải quan tại các cảng hàng không quốc tế chủ trì kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của pháp luật khi tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

2. Chỉ đạo các đơn vị Hải quan tại các cảng hàng không quốc tế phối hợp với lực lượng An ninh hàng không và các lực lượng chức năng của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố trong suốt quá trình điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật đối với các vật phẩm nguy hiểm quy định tại điểm d khoản 5 Điều 3 Nghị định này.

Điều 19. Bộ Ngoại giao

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các ban, bộ, ngành liên quan thực hiện hợp tác quốc tế trong xử lý đối với tàu bay mang quốc tịch nước ngoài vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay theo quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 20. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay

1. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với lực lượng của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý tàu bay vi phạm bị ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay trên địa bàn.

2. Xây dựng các phương án, quy trình triển khai xử lý tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09 tháng 12 năm 2024.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2b)

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC

THÔNG TIN, KÝ TÍN HIỆU SỬ DỤNG TRONG TRƯỜNG HỢP BAY CHẶN, BAY KÈM, BAY ÉP TÀU BAY VI PHẠM VÙNG TRỜI VIỆT NAM HẠ CÁNH TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
(Kèm theo Nghị định số 139/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ)

1. Tín hiệu do tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép phát ra và tàu bay bị bay chặn, bay kèm, bay ép đáp lại

Loại

Tín hiệu của tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép

Ý nghĩa

Đáp lại của tàu bay bị bay chặn, bay kèm, bay ép

Ý nghĩa

1

Ngày hoặc đêm: Tàu bay bay chặn, bay kèm, ép tàu bay vi phạm hạ cánh, tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau, bên trái hoặc ở bên phải trong tầm kiểm soát và giữ khoảng cách phù hợp để thực hiện động tác lắc cánh và nhấp nháy đèn tín hiệu vị trí.

Sau khi nhận được tín hiệu xác nhận là tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm, ép đã nhận được lệnh, thì tiến hành vòng về bên trái hoặc về bên phải lấy hướng cần thiết tiếp tục bay.

1. Tùy theo điều kiện khí tượng hoặc đặc điểm địa hình, tàu bay bay chặn, bay kèm, ép có thể bay ở phía trước bên phải tàu bay bị bay chặn và tiếp đó vòng phải để lấy hướng càn thiết tiếp tục bay.

2. Nếu tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm ép không thể theo kịp thì tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép cần bay theo dạng cơ động để giữ bay cùng nhịp và lắc cánh mỗi lần vượt lên trước tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm ép.

Anh bị bay chặn, hãy theo tôi.

Ngày hoặc đêm: Lắc cánh, nhấp nháy đèn tín hiệu vị trí theo khoảng thời gian không đều nhau và bay theo tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép.

Tôi đã hiểu và sẽ tuân theo.

2

Ngày hoặc đêm: Cơ động gấp rời khỏi tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm ép bằng cách vòng ra một góc 90° hoặc lớn hơn, đồng thời lấy độ cao nhưng không được cắt hướng bay của tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm, bay ép.

Anh có thể tiếp tục bay.

Ngày hoặc đêm: Lắc cánh.

Tôi đã hiểu và sẽ tuân theo.

3

Ngày hoặc đêm: Bay theo vòng lượn sân bay, thả càng, đồng thời bật và để sáng liên tục đèn hạ cánh và bay thông qua trên đường cất hạ cánh theo hướng hạ cánh; nếu tàu bay vi phạm bị bay chặn là trực thăng thì tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép bay thông qua vị trí hạ cánh. Trong trường hợp trực thăng bay chặn trực thăng, thì trực thăng bay chặn làm tiếp cận bãi hạ cánh và bay treo ở gần bên cạnh bãi hạ cánh.

Hạ cánh xuống sân bay này.

Ngày hoặc đêm: Thả càng, đồng thời bật và để sáng liên tục đèn hạ cánh và bay theo tàu bay bay chặn, nếu sau khi bay thông qua trên đường cất hạ cánh hoặc bãi hạ cánh trực thăng, nhận thấy có thể hạ cánh an toàn thì tiến vào hạ cánh.

Tôi đã hiểu và sẽ tuân theo.

2. Tín hiệu do tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh phát và tín hiệu trả lời của tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép.

Loại

Tín hiệu của tàu bay bị bay chặn, bay kèm, bay ép

Ý nghĩa

Đáp lại của tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép

Ý nghĩa

1

Ngày hoặc đêm: Thu càng và nhấp nháy đèn hạ cánh khi bay thông qua đường cất hạ cánh hoặc bãi hạ cánh ở độ cao trên 300 m đến 600 m (đối với trực thăng ở độ cao trên 50 m đến 100 m so với mức cao sân bay) và tiếp tục bay vòng trên sân bay hoặc bãi hạ cánh. Nếu không thể nhấp nháy đèn hạ cánh thì nhấp nháy bất kỳ loại đèn nào khác sẵn có.

Sân bay anh chỉ định không thích hợp với loại tàu bay của tôi.

Ngày hoặc đêm: Nếu muốn tàu bay bị bay chặn bay theo mình tới một sân bay khác, tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép thu càng và phát tín hiệu loại 1 quy định cho tàu bay bay chặn.

Tôi hiểu, hãy bay theo tôi.

Nếu quyết định không bay chặn, bay kèm, bay ép nữa thì phát tín hiệu loại 2 quy định cho tàu bay bay chặn.

Tôi hiểu, anh có thể bay đi.

2

Ngày hoặc đêm: Liên tục tắt mở tất cả các đèn với khoảng cách thời gian để phân biệt với nhấp nháy đèn.

Tôi không tuân theo được.

Ngày hoặc đêm: Phát tín hiệu loại 2 quy định cho tàu bay bay chặn.

Tôi hiểu

3

Ngày hoặc đêm: Nháy các đèn có được với cách quãng thời gian không đều nhau.

Tôi đang trong tình trạng khẩn nguy.

Ngày hoặc đêm: Phát tín hiệu loại 2 quy định cho tàu bay bay chặn.

Tôi hiểu

3. Thông tin vô tuyến trong khi bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời hạ cánh: Khi tiến hành bay chặn, bay kèm, bay ép; chỉ huy bay chặn, bay kèm, bay ép và tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm, bay ép cần:

a) Thiết lập thông tin hai chiều với tàu bay bị bay chặn, bay kèm, bay ép trên tàn số khẩn nguy 121.5 MHz, nếu có thể bằng ngôn ngữ chung quốc tế, dùng tín hiệu gọi.

Tiếng quốc tế (tiếng Anh)

Phiên âm quốc tế

Phiên âm tiếng Việt

Ý nghĩa tiếng Việt

intercept control

Intơsept côntrol

Kiểm soát bay chặn

interceptor...

Intơseptơ

Tàu bay bay chặn

intercepted aircraft

Intơseptd eơcơraft

Tàu bay bị bay chặn

b) Nếu không thực hiện được việc trên, thiết lập liên lạc hai chiều với tàu bay bị bay chặn, bay kèm, bay ép trên tàn số khác mà đơn vị chỉ huy bay chặn, bay kèm, bay ép và cơ sở dịch vụ không lưu liên quan đã thống nhất quy định hoặc thiết lập liên lạc thông qua các cơ sở dịch vụ không lưu thích hợp khác.

c) Nếu thiết lập được liên lạc vô tuyến khi bay chặn, bay kèm, bay ép nhưng không thể thông tin được bằng một ngôn ngữ chung, thì chuyển nhận các thông tin thiết yếu bằng những câu với cách phát âm quy định như trong Bảng dưới đây, phát đi mỗi câu 02 lần.

Câu nói để tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép sử dụng

Câu nói để tàu bay bị bay chặn, bay kèm, bay ép sử dụng

Câu nói

Phiên âm Quốc tế

Phiên âm Tiếng Việt

Ý nghĩa

Câu nói

Phiên âm Quốc tế

Phiên âm Tiếng Việt

Ý nghĩa

CALLSIGN

/kodsain/

Col sain

Tên gọi của anh là gì

CALLSIGN

/ko:lsain/

Colsain

Tên gọi của tôi là...

FOLLOW

Pho lou

Theo tôi

WILCO

Vill câu

Hiểu rồi, sẽ tuân theo

DESCEND

/di'send/

Disend

Hạ độ cao để hạ cánh

CANNOT

/kaen not/

Cen not

Không thể chấp hành theo được

YOU LAND

/ju:lasnd/

iu land

Hạ cánh ở sân bay này

REPEAT

/ri'pi:t/

Ri pit

Nhắc lại chỉ thị của anh

PROCEED

Prosid

Anh có thể đi

AMLOST

Am lost

Tôi không biết vị trí của mình

MAYDAY

/mei dei/

May đay

Tối đang bị nguy hiểm

HIJACK

/haidjaek/

Hai Zack

Tôi bị không tặc

LAND (và tên chỗ hạ cánh)

(và tên chỗ hạ cánh)

Lend (và tên chỗ hạ cánh)

Tôi xin hạ cánh ở... (và tên chỗ hạ cánh)

DESCEND

/di’send/

Disend

Tôi xin hạ độ cao

Ghi chú:

- Tên gọi (CALL SIGN) ở đây là tên dùng trong thoại vô tuyến liên lạc với cơ sở ATS theo tên gọi của tàu bay trong kế hoạch bay.

- “Tôi bị không tặc” (HIJACK) ít được dùng và không nên sử dụng khi tình huống không cho phép.

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Nghi-dinh-139-2024-ND-CP-the-thuc-bay-kem-bay-ep-tau-bay-vi-pham-vung-troi-Viet-Nam-628977.aspx


Bài viết liên quan: