Thông tư 33/2024/TT-BGTVT quản lý giá dịch vụ sử dụng phà vốn ngân sách Nhà nước mới nhất

Thông tư 33/2024/TT-BGTVT quản lý giá dịch vụ sử dụng phà vốn ngân sách Nhà nước mới nhất

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2024/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ ĐƯỢC ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, DO TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ

Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;

Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27 tháng 06 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý bến phà, đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý giá dịch vụ của bến phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.

Điều 2. Đối tượng phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng phà

Đối tượng phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng phà là: người đi bộ, hành khách đi xe và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng.

Điều 3. Đối tượng miễn thu tiền dịch vụ sử dụng phà

1. Xe cứu thương và xe đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu.

2. Xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy có tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.

3. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa.

4. Xe hộ đê; xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp phòng, chống lụt bão theo điều động của cấp có thẩm quyền.

5. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe chuyên dùng mang biển số: nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh, các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng), xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp.

6. Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân bao gồm:

a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”;

b) Xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe;

c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe;

d) Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng Công an nhân dân làm nhiệm vụ;

đ) Xe chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn và các xe chuyên dùng khác của lực lượng Công an nhân dân;

e) Xe đặc chủng (xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe đặc chủng khác của lực lượng Công an nhân dân);

g) Xe của lực lượng Công an đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.

7. Xe của lực lượng quốc phòng tham gia diễn tập, hành quân cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị có xe chuyên dụng quân sự dẫn đường.

8. Xe phục vụ tang lễ, gồm:

a) Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác);

b) Các xe phục vụ tang lễ (bao gồm: xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa, xe rước ảnh).

9. Đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.

10. Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

11. Thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp, xe máy). Khi sử dụng dịch vụ phà trong trường hợp này phải xuất trình giấy tờ (bản chính hoặc bản sao có chứng thực, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc) cần thiết như: thẻ thương binh, bệnh binh; Giấy chứng nhận đối với thương binh, bệnh binh kèm theo căn cước công dân; thẻ học sinh, căn cước công dân hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh.

12. Người, phương tiện sử dụng dịch vụ phà tại bến phà Kênh Tắt, Láng Sắt thuộc Quốc lộ 53, bến phà Kênh Sáu thuộc Quốc lộ 53B.

Điều 4. Định giá dịch vụ sử dụng phà

1. Khung giá dịch vụ sử dụng phà được định giá theo nguyên tắc và căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Giá.

2. Cục Đường bộ Việt Nam quyết định áp dụng phương pháp định giá theo quy định của pháp luật về giá.

3. Cơ quan quản lý bến phà có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà lập phương án giá dịch vụ sử dụng phà theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam, đảm bảo đúng quy định pháp luật về giá và chịu trách nhiệm về phương án giá do mình lập.

4. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thẩm định phương án giá, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định quy định khung giá cho dịch vụ sử dụng phà.

5. Việc lập, thẩm định hồ sơ phương án giá, ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 5. Khung giá dịch vụ sử dụng phà

1. Khung giá sử dụng dịch vụ phà là mức thu tối đa và mức thu tối thiểu cho một lượt quy định cho người đi bộ, hành khách đi xe và từng phương tiện khi tham gia giao thông vượt sông bằng phà. Cơ quan quản lý bến phà và đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà quyết định giá cụ thể trong phạm vi khung giá dịch vụ sử dụng phà được Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Khung giá dịch vụ sử dụng phà được xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Điều 6. Quản lý vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà

1. Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà theo đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

2. Vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà tại các bến phà bao gồm 02 loại: vé lượt, vé tháng.

a) Vé lượt: là vé có giá trị sử dụng dịch vụ sử dụng phà một lần, cho một đối tượng phải trả tiền dịch vụ sử dụng phà;

b) Vé tháng: là vé có giá trị sử dụng dịch vụ sử dụng phà nhiều lần trong vòng 30 ngày, kể từ ngày bán ghi cụ thể trên vé đến ngày kết thúc thời hạn được ghi cụ thể trên vé. Vé tháng chỉ áp dụng đối với các đối tượng có quy định mức thu vé tháng tại các văn bản định giá do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;

Đối với người đi bộ, trên vé phải ghi rõ họ, tên và số căn cước (hoặc hộ chiếu; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; giấy xác nhận nhân thân do Công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận). Đối với phương tiện theo quy định không có biển số, trên vé phải ghi rõ loại phương tiện và họ, tên; số căn cước (hoặc hộ chiếu; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; giấy xác nhận nhân thân do Công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận) của người điều khiển phương tiện. Đối với phương tiện theo quy định phải có biển số, trên vé phải ghi rõ loại phương tiện và biển số của phương tiện.

3. Vé mua cho đối tượng phải trả tiền dịch vụ sử dụng phà chỉ có giá trị sử dụng cho đối tượng tại bến phà đó.

4. Trường hợp xảy ra thảm họa, dịch bệnh, thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng khác, bến phà phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà thực hiện gia hạn thời gian hiệu lực của vé tháng theo nguyên tắc số ngày gia hạn bằng số ngày tạm dừng hoạt động nhưng đảm bảo không vượt quá số ngày còn hiệu lực của vé tháng tính từ thời điểm bắt đầu tạm dừng hoạt động.

Điều 7. Kê khai giá

1. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận văn bản kê khai giá, tổ chức việc cập nhật thông tin giá kê khai vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đối với dịch vụ sử dụng phà.

2. Cách thức thực hiện và tiếp nhận kê khai giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 8. Niêm yết giá

Đơn vị được cung cấp dịch vụ sử dụng phà thực hiện việc niêm yết giá dịch vụ sử dụng phà theo quy định tại Điều 29 Luật Giá.

Điều 9. Công khai thông tin về giá

Việc công khai thông tin về giá được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Giá.

Điều 10. Trách nhiệm của đơn vị quản lý bến phà, đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà

1. Cơ quan quản lý bến phà có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà lập phương án giá dịch vụ sử dụng phà, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá đối với đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà.

2. Đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà có trách nhiệm:

a) Căn cứ khung giá được cơ quan nhà nước ban hành quyết định mức giá thu dịch vụ sử dụng phà cụ thể;

b) Thực hiện kê khai, công khai, niêm yết các thông tin về mức giá, đối tượng miễn thu tiền dịch vụ sử dụng phà theo quy định của pháp luật về giá;

c) Chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về quản lý giá;

d) Tổ chức các điểm bán vé thuận tiện cho chủ phương tiện và tránh ùn tắc giao thông;

đ) Bán kịp thời, đầy đủ các loại vé cho mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Điều 11. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam

1. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về quản lý giá theo quy định tại Thông tư này.

2. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý theo thẩm quyền.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Bãi bỏ Thông tư số 31/2020/TT-BGTVT ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Trung ương quản lý và Thông tư số 37/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2020/TT-BGTVT ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Trung ương quản lý./.


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Đường bộ Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải;
- Lưu: VT, TC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Lâm

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-33-2024-TT-BGTVT-quan-ly-gia-dich-vu-su-dung-pha-von-ngan-sach-Nha-nuoc-631756.aspx


Bài viết liên quan: