Thông báo 500/TB-VPCP 2024 kết luận tình hình triển khai dự án quan trọng Tập đoàn Điện lực
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 500/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN QUAN TRỌNG CỦA TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM VÀ TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM ĐỂ ĐẢM BẢO CUNG ỨNG ĐIỆN, BẢO ĐẢM AN NINH NĂNG LƯỢNG
Ngày 19 tháng 10 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đảm bảo cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công Thương, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Đông Bắc.
Sau khi nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo, ý kiến của các các bộ, cơ quan tham dự cuộc họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Trong 9 tháng năm 2024 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta tính chung đã đạt mức 6,82% (riêng Quý III/2024 đạt 7,4% so với cùng kỳ), dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong các tháng cuối năm dự kiến có thể tăng từ 11-13%, cao hơn mức 9% kế hoạch dự báo. Trong bối cảnh các nguồn điện không có nhiều thay đổi nhưng rút kinh nghiệm năm 2023, công tác chuẩn bị được thực hiện từ sớm, từ xa, công tác điều hành đã tốt hơn, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, không để xảy ra thiếu điện. Qua đó, thực hiện đúng cam kết đề ra, không để thiếu điện tại miền Bắc trong giai đoạn mùa khô năm 2024 vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần trách nhiệm của các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả trên.
Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức thi công thần tốc, hoàn thành công trình đường dây 500 kV mạch 3 sau hơn 7 tháng, góp phần nâng cao công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc và đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các tháng cuối năm 2024.
2. Về việc bảo đảm cung ứng điện năm 2025 và các năm tiếp theo
a) Đối với năm 2025
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt từ 12-13%. Theo báo cáo, dự kiến tổng công suất cần tăng thêm đáp ứng nhu cầu khoảng 2.297 MW. Do đó, với kinh nghiệm điều hành trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhất định không để thiếu điện cho năm 2025, trong đó, đề nghị triển khai các giải pháp để bảo đảm bù đắp tổng công suất thiếu hụt:
- Triển khai có hiệu quả Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
- Bộ Công Thương nghiên cứu thúc đẩy việc mua điện từ Lào, thống nhất với bạn mua cho cả giai đoạn 5 năm và điều chỉnh giá điện nhập khẩu phù hợp theo đúng tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ vì lợi ích tổng thể của quốc gia, dân tộc và mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, hy sinh xương máu cho nhau, có một không hai trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng xem xét khả năng tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc để bổ sung điện cho hệ thống nếu cần.
b) Đối với giai đoạn 2026 - 2030
Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty liên quan trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu nhất định không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cho cả giai đoạn từ nay đến 2030, vừa đảm bảo cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó giá điện phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mức chi trả của người dân.
- Về nguồn điện
+ Bộ Công Thương cần nghiên cứu để chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, đa dạng hóa các nguồn điện, trong đó có nghiên cứu và thực hiện xây dựng phát triển điện hạt nhân, chú trọng phát triển nguồn điện sạch góp phần chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn như điện mặt trời mái nhà, điện gió, điện rác...
+ Đối với nguồn thủy điện, cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch điều tiết lưu lượng nước hài hòa, khoa học, bảo đảm tưới tiêu nhưng tinh thần là phải tích nước cho phát điện và mùa khô ở miền Bắc.
+ Đối với điện khí, đề nghị tính toán giá điện phù hợp, sát với thị trường và tình hình của đất nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo động lực và hiệu quả đầu tư để nhà đầu tư có thể tham gia.
- Về lưới điện
Tổ chức thi công liên tục 24/7, 3 ca 4 kíp, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạch Mỹ, đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống, đường dây 220 kV Nam Emuon - Trạm cắt Đăk Ooc, hoàn thành trước 31/12/2024 để nâng công suất truyền tải điện nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam. Đối với đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên phục vụ nhập khẩu điện từ Trung Quốc, phát huy tinh thần triển khai thi công công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, đề nghị đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành thi công trong 6 tháng, không để kéo dài.
- Về nhiên liệu cho phát điện
+ Về than, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc xây dựng kế hoạch khai thác trong 5 năm để có hướng đầu tư nhằm tăng sản lượng khai thác trong nước, giảm nhập khẩu nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần tăng cường mua than để hỗ trợ Lào. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xem xét đầu tư mở rộng đường giao thông kết nối với Lào, tạo thuận lợi cho việc mua than từ Lào và tạo điều kiện kết nối hai nền kinh tế.
+ Về khai thác khí, đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung triển khai chuỗi dự án khí điện, đẩy nhanh việc khai thác khí mỏ Lô B, kịp thời cung cấp khí cho các nhà máy điện chậm nhất vào cuối năm 2026, bảo đảm kế hoạch đề ra.
- Về sử dụng tiết kiệm điện
Thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện; EVN khẩn trương phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại miền Bắc để rà soát, triển khai ngay các giải pháp tiết kiệm điện trong trụ sở của các doanh nghiệp, công sở, các cơ sở sản xuất, chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời... để phân phối sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
- Về giá điện
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không "giật cục"; ngành điện đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí giá điện phải phù hợp nền kinh tế, có sự điều tiết của Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô.
c) Về các giải pháp triển khai thời gian tới
- Bộ Công Thương với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2024, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) giải quyết những vấn đề vướng mắc như cam kết về sản lượng (Qc), chuyển ngang giá khí, theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề lớn có nhiều vướng mắc, còn những vấn đề cụ thể, nhiều biến động, cần giao Chính phủ quy định như giá điện, tiêu chuẩn kỹ thuật... Việc sửa luật cần cập nhật đầy đủ các nội dung vướng mắc hiện nay, với tinh thần mở ra không gian để phát triển nhưng phải quản lý được, thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, xóa cơ chế quan liêu, bao cấp, cơ chế “xin cho”, cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép “con” để giảm chi phí tuân thủ; bổ sung các nội hàm về phát triển điện gió, điện hạt nhân, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.
- Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo có kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện nền có quy mô công suất lớn ở miền Bắc như: triển khai sớm các dự án nhà máy LNG Nghi Sơn - Thanh Hóa (1.500 MW), LNG Quỳnh Lập - Nghệ An (1.500 MW); phấn đấu khởi công trong Quý II năm 2025 và hoàn thành đóng điện trong năm 2027 các dự án đã có chủ đầu tư: LNG Quảng Ninh (1.500 MW), LNG Thái Bình (1.500 MW); khẩn trương hoàn thành dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480MW), Quảng Trạch I (EVN- 1403MW), Na Dương II (TKV-110MW),...
- Bộ Công Thương rà soát các dự án có trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhưng chưa giao chủ đầu tư, chỉ đạo các địa phương khẩn trương có tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và có kế hoạch triển khai để bảo đảm tiến độ đề ra.
- Bộ Công Thương khẩn trương rà soát để xem xét điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2026-2030 bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó lưu ý triển khai quy hoạch nguồn điện gió ngoài khơi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Về kiến nghị của các tập đoàn
a) Về kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Về đề nghị xem xét tiếp tục giao bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện
Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi) có quy định về giao cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thực hiện các dự án nguồn điện cấp bách; nghiên cứu, đề xuất giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai một số dự án nguồn điện nằm trong Quy hoạch điện VIII nhưng chưa được triển khai theo kế hoạch tiến độ đã được phê duyệt nhằm cung cấp thêm nguồn điện cho hệ thống, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
- Về chỉ đạo Bộ Công Thương bổ sung, cập nhật các dự án nguồn điện vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII
Giao Bộ Công Thương nghiên cứu kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, căn cứ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình để hoàn thiện cập nhật, bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm cung ứng đủ điện.
b) Về kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2016, đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện và ban hành thông tư trong tháng 11 năm 2024 để tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
- Về hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PM tiếp tục đàm phán hòa giải ngoài tố tụng, tránh ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và hợp tác giữa hai nước, đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát, nắm lại tình hình, phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trao đổi Chính phủ Nga trong chuyến tham dự Hội nghị BRICS.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Thong-bao-500-TB-VPCP-2024-ket-luan-tinh-hinh-trien-khai-du-an-quan-trong-Tap-doan-Dien-luc-629743.aspx
Bài viết liên quan:
- Thông báo 518/TB-VPCP 2024 ý kiến tại cuộc họp rà soát dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ
- Thông báo 09/2014/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam Cam-pu-chia
- Thông báo 468a/TB-VP 2024 kết luận của Chánh án Tòa án tối cao về triển khai thực hiện các đề án luật
- Thông báo 4967/TB-TCHQ 2024 kết quả xác định trước mã số đối với CARRYALL 500
- Thông báo 475/TB-VPCP 2024 kết luận về thiết kế nội thất Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành
- Thông báo 303/TB-BGTVT 2024 Kết luận cuộc họp sắp xếp tổ chức tham mưu Cục Đăng kiểm
- Thông báo 302/TB-BGTVT 2024 dự thảo Quyết định tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông đường bộ
- Thông báo 8409/TB-BHXH 2024 điều chỉnh quy trình theo cơ chế một cửa mã 217 Hồ Chí Minh
- Thông báo 5634/BNG-LPQT 2024 hiệu lực Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và I xra en
- Thông báo 5553/BNG-LPQT 2024 hiệu lực Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Việt Nam Pháp
- Thông báo 5192/TB-TCHQ 2024 Kết quả xác định trước mã số đối với Special Mum Omega Capsules
- Thông báo 7179/TB-BHXH 2024 điều chỉnh quy trình theo cơ chế một cửa mã 208A Hồ Chí Minh
- Thông báo 5509/TB-KBNN 2024 tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 10
- Thông báo 4745/TB-TCHQ 2024 kết quả xác định trước mã số đối với SUPRO EX 33
- Thông báo 4708/TB-TCHQ 2024 kết quả xác định trước mã số đối với Wearable thermo device sensing kit
- Thông báo 4707/TB-TCHQ 2024 kết quả xác định trước mã số đối với Tấm chắn màn hình điện thoại
- Thông báo 4706/TB-TCHQ 2024 kết quả xác định trước mã số đối với Huawei Band 9
- Thông báo 4818/TB-TCHQ 2024 kết quả xác định trước mã số Thực phẩm bổ sung ageLOC TRME Trimshake
- Thông báo 4817/TB-TCHQ 2024 kết quả xác định trước mã số đối với Thực phẩm bổ sung
- Thông báo 4816/TB-TCHQ 2024 kết quả xác định trước mã số đối với SUPRO MAX 5013IP