Thông báo 523/TB-VPCP 2024 kết luận tại phiên họp Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm nhà dột nát

Thông báo 523/TB-VPCP 2024 kết luận tại phiên họp Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm nhà dột nát

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 523/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2024

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG TRIỂN KHAI XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC

Ngày 10 tháng 11 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Tham dự Phiên họp có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo.

Sau khi nghe các Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, các ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và Nhân dân, trong thời gian qua, khoảng 340 nghìn hộ người có công với cách mạng và trên 800 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng trên 315 nghìn hộ có khó khăn về nhà ở (khoảng 106 nghìn hộ người có công, 46 nghìn hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, góp phần thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

- Trong thời gian qua, nhiều chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã được ban hành và triển khai hiệu quả. Kết luận số 97-KL/TW của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã nêu rõ: Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” trong năm 2025.

- Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẩn trương phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện tốt Chương trình truyền hình trực tiếp phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát đầu tháng 10 vừa qua, huy động được nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay (gần 6.000 tỷ đồng); kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và chuẩn bị chu đáo Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM

1. Xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”. Tập trung triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần: “tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc với tinh thần cao, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.

2. Chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình, trong đó lưu ý phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

3. Đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng xã hội, tạo ra phong trào, tổ chức triển khai như chiến dịch, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo sự đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

5. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, không để trùng lắp đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1. Về kiện toàn Ban Chỉ đạo:

- Bổ sung đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Ủy viên Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam thay đồng chí Lê Ngọc Quang làm Ủy viên Ban Chỉ đạo.

- Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Bí thư cấp ủy cùng cấp làm Trưởng ban để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2024. Ban Chỉ đạo các cấp quy định cụ thể Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cùng cấp.

2. Về mức hỗ trợ:

- Thống nhất một mức hỗ trợ nhà ở đối với tất cả các đối tượng (trừ đối tượng hộ thuộc diện bảo trợ xã hội - không có khả năng đối ứng) là 60 triệu đồng/hộ khi xây dựng mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa.

- Đối với các hộ thuộc 02 chương trình mục tiêu quốc gia: vận động thêm nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm bằng mức trên; không hồi tố đối với các hộ đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở.

3. Về đối tượng hỗ trợ nhà ở (ngoài hộ người có công với cách mạng): thống nhất hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo số liệu các địa phương đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Về đất xây dựng nhà ở: thống nhất chủ trương hỗ trợ xây nhà ở trên đất ở không có tranh chấp, giao chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định theo phân cấp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định

5. Về mẫu nhà ở: giao Bộ Xây dựng hướng dẫn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng địa bàn.

6. Về nguyên vật liệu, nhân công: các địa phương cần có giải pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt; tăng cường kiểm tra, giám sát về giá nguyên vật liệu xây dựng nhà ở trên địa bàn, chủ yếu sử dụng vật liệu của địa phương; huy động mọi lực lượng hỗ trợ, vận động cộng đồng hỗ trợ gia đình, bản thân gia đình tham gia xây dựng. Lực lượng quân đội, công an tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu, thi công để giảm bớt chi phí.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan: rà soát, hoàn thiện Phương án phân nhóm các địa phương, phương án tự huy động, phân bổ nguồn lực hỗ trợ vận động; phương thức, cách thức hỗ trợ, chuyển kinh phí hỗ trợ, tổ chức triển khai; thông báo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân về phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả tích cực, đúng mục tiêu; bảo đảm không trùng lắp, thất thoát, lãng phí.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức một số hội nghị chuyên đề ở các vùng để các bộ, ngành, địa phương chia sẻ kinh nghiệm, học tập cách triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; kịp thời tham mưu, báo cáo và phục vụ các Phiên họp của Ban Chỉ đạo.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương về hộ đủ điều kiện để hỗ trợ xây mới, sửa chữa về nhà ở.

- Hướng dẫn mẫu biểu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; tổng hợp số liệu hàng tháng và năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo.

2. Bộ Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn về tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát làm căn cứ xác định đối tượng hỗ trợ.

3. Ủy ban Dân tộc: Chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án, tổ chức Hội nghị chuyên đề giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hỗ trợ nhà ở tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

4. Bộ Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền sớm phân bổ kinh phí năm 2025 hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để các địa phương triển khai thực hiện.

- Báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) để triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và được chuyển nguồn sang năm 2025. Trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội cho phép theo tinh thần thuận lợi nhất, chống xin cho, thất thoát, lãng phí.

- Hướng dẫn cơ chế hỗ trợ của địa phương có điều kiện khá hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn; về việc doanh nghiệp tính chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo quy định của pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với nội dung vượt thẩm quyền.

5. Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn giúp vận chuyển nguyên vật liệu và xây dựng nhà ở cho người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng cao, địa bàn đặc biệt khó khăn theo đề nghị của các địa phương.

6. Bộ Công an: Phát huy cơ sở dữ liệu về dân cư trong việc rà soát, tổng hợp thông tin chính xác về số lượng nhà ở cần hỗ trợ cho các nhóm đối tượng tại địa phương; bố trí lực lượng hỗ trợ theo đề nghị của địa phương.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng tích cực tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí: Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tuyên truyền hiệu quả, vận động tích cực để lan tỏa mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo ở các cấp tỉnh, huyện, xã do Bí thư cấp ủy cùng cấp làm Trưởng Ban Chỉ đạo; ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, hàng tháng tổng hợp số liệu và tình tình thực hiện triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát báo cáo gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”

- Rà soát, chịu trách nhiệm về số liệu; thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lắp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Đối với số nhà tạm, nhà dột nát phát sinh thêm, địa phương tự huy động nguồn lực để hỗ trợ.

- Bảo đảm điều kiện về hạ tầng, mặt bằng đất đai, vật liệu, lực lượng khi triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn theo quy định.

10. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Trực tiếp thực hiện và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp: tiếp nhận ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thông qua Quỹ Vì người nghèo; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bắt đầu từ tháng 12 năm 2024, Ban Chỉ đạo 4 cấp họp hằng tháng để rà soát, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

2. Các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ được phân công tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình hằng tháng, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo.

3. Các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc thực hiện của địa phương theo phân công tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023 và Quyết định số 967/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biết và đề nghị các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Thành viên Ban Chỉ đạo;
- VPCP: BTCN, PCN Đỗ Ngọc Huỳnh, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: CN, KTTH, TCCV, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3b).PL

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Đỗ Ngọc Huỳnh

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Thong-bao-523-TB-VPCP-2024-ket-luan-tai-phien-hop-Ban-Chi-dao-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-631949.aspx


Bài viết liên quan: