Chỉ thị 9412/CT-BNN-KHCN năm 2023 tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ thị 9412/CT-BNN-KHCN năm 2023 tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9412/CT-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2023

CHỈ THỊ

V/V TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU VỀ DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 (ĐỀ ÁN 06) TẠI BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Qua một thời gian triển khai thực hiện Đề án 06 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai các nhiệm vụ những năm tiếp theo; nhận thức của các cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng toàn diện, đầy đủ, sâu sắc; công chức, người dân, doanh nghiệp dần nhận thức được những tiện ích do Đề án 06 mang lại, như việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) được đẩy mạnh; việc kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về DC với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình thành các dữ liệu lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ, như: (1) Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị đã đầu tư từ lâu còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng an toàn thông tin, an ninh mạng nên chưa thể thực hiện việc số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với CSDLQG về DC khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; (2) trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết công việc trên môi trường số của cán bộ, công chức, người được giao nhiệm vụ chưa thuần thục; (3) chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, chưa thực sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ người dân thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp vẫn cao; (4) việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền đạt kết quả cao nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, còn tình trạng “cát cứ” thông tin, lợi ích ngành, lợi ích cục bộ, nên người dân phải cung cấp lại thông tin và đi lại nhiều lần; (5) công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của nhiều cơ quan, đơn vị, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra… Những tồn tại nêu trên nếu không được khắc phục, giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án 06 và đến tiến độ thực hiện chương trình Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm tiếp theo.

Thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 giai đoạn 2022-2023, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, để tập trung chỉ đạo, lãnh đạo giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, thúc đẩy thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng tiến độ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

1. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ

- Phổ biến, quán triệt và khẩn trương tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg đến từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Tăng cường quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của Đề án 06 và tiếp tục duy trì, quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện.

Xác định triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, cơ quan, đơn vị trên cơ sở huy động sự vào cuộc của cả hệ thống các cấp, cơ quan, đơn vị, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, làm từ thấp đến cao, làm từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, thống kê cụ thể các nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành năm 2023 của cơ quan, đơn vị là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai Đề án 06 tại Bộ để hoàn thành trong năm 2023 và kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp sang năm 2024.

- Tiếp tục rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trọng tâm.

- Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực để cung cấp dịch vụ tốt hơn; lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả; thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết các nhóm đối tượng có trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế và khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.

- Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021, gắn với việc số hóa và thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định.

- Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động; nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

- Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công không yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.

- Tổ chức thực hiện và đánh giá, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu số, thời gian thực theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

- Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo quy định những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực tự ý đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

- Rà soát, đề xuất nhu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu được thực chất và hiệu quả (xin gửi về Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp để tổng hợp, báo cáo Bộ).

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị bám sát hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ giao tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Bộ.

2. Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp

- Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu tại văn bản số 1552/BTTTT-TTH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông; hoàn thành kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

- Thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá an toàn Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ và triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng để kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc giá để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa trong toàn quốc thống nhất, hiệu quả.

- Quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

3. Vụ Tổ chức cán bộ

- Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.

- Tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng, thành thạo sử dụng công nghệ thông tin, nghiệp vụ phục vụ cho yêu cầu công việc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

- Nghiên cứu, đánh giá kiện toàn về mô hình, nhân sự của Bộ cho phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng, thành thạo sử dụng công nghệ thông tin, nghiệp vụ phục vụ cho yêu cầu công việc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

4. Văn phòng Bộ

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 tại Bộ. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát tiến độ triển khai, thực hiện và báo cáo Bộ tình hình, kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến Đề án 06. Phối hợp đề xuất giao ban, chỉ đạo để hoàn thành kế hoạch theo tiến độ đã đề ra.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tập huấn, hướng dẫn quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.


Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, KHCN (KTD.10b)

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Chi-thi-9412-CT-BNN-KHCN-2023-trien-khai-De-an-chuyen-doi-so-quoc-gia-giai-doan-2022-2025-599976.aspx


Bài viết liên quan: