Kế hoạch 195/KH-UBND 2021 quản lý thành phố đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID Cần Thơ

Kế hoạch 195/KH-UBND 2021 quản lý thành phố đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID Cần Thơ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 23 tháng 9 năm 2021

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH CỦA THÀNH PHỐ ĐẢM BẢO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 VÀ KHÔI PHỤC SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thành phố Cần Thơ từng bước kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khi số ca mắc xu hướng giảm dần theo từng ngày. Các ca mắc mới trong những ngày gần đây chủ yếu trong các khu cách ly, phong tỏa. Để thích nghi với tình hình mới, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, phối hợp thực hiện hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo từng thời điểm, diễn biến thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch tổ chức hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp thích hợp nhằm phục hồi sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt công tác quy hoạch.

b) Kết hợp hài hòa, chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

c) Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, tạo đồng thuận cao trong người dân và doanh nghiệp.

2. Yêu cầu:

a) Triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn, nhất là người đứng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện.

b) Chủ động nắm bắt tình hình, ứng phó linh hoạt trong quá trình thực hiện. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố ý làm trái, trục lợi cá nhân.

c) Chủ động liên hệ với các Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ sự hỗ trợ, hướng dẫn; Gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để có kế hoạch liên kết chủ động, hiệu quả; tích cực đối thoại, trao đổi để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, chủ động điều chỉnh kế hoạch thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

d) Huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gắn với lộ trình phù hợp, để tập trung chỉ đạo, đạt kết quả cao nhất trong các chỉ tiêu kế hoạch.

đ) Rà soát đối tượng, đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng yếu thế.

II. PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ

1. Nguyên tắc thực hiện:

- Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những nội dung quy định của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hướng dẫn của ngành y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng con người, đi đôi với việc phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

- Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho toàn dân.

- Cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động khi bảo đảm các điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch theo lộ trình, tăng dần tỷ lệ theo Kế hoạch số 190/KH-UBND và Phương án số 01/PA-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương, giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân quận, huyện và xã, phường, thị trấn trong việc áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến tình hình và mức độ nguy cơ của địa phương.

- Quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc, hiệu quả quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.

2. Phương án quản lý sau ngày 25 tháng 9 năm 2021:

a) Xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 sau ngày 25 tháng 9 năm 2021:

Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 sau ngày 25 tháng 9 năm 2021 phù hợp với nội dung hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hướng dẫn của ngành y tế, đảm bảo phù hợp và linh hoạt thích nghi với tình hình của địa phương.

Kịp thời đánh giá, cập nhật tình hình để có phương án điều chỉnh kịp thời trong quá trình thực hiện.

b) Thực hiện mở cửa, nới lỏng (có kiểm soát chặt chẽ) các biện pháp giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành, lĩnh vực theo mức độ tương ứng ở các cấp:

- Khôi phục dần và đầy đủ hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình đối với những địa bàn có nguy cơ thấp.

- Từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực thiết yếu đối với một địa bàn có nguy cơ trung bình, nguy cơ cao trong điều kiện đảm bảo đầy đủ những yêu cầu đối với công tác phòng, chống dịch.

- Tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách theo Chỉ thị số 16 đối với những địa bàn có nguy cơ rất cao, gắn với tăng cường thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, lương thực, thực phẩm cho người dân. Đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, chủ động nắm bắt tình hình, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội đối với khu vực này.

c) Phối hợp chặt chẽ, kịp thời hướng dẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh

Từng Sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong tổ chức thực hiện phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh theo từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể, đảm bảo điều kiện sản xuất liên tục, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Chủ động nắm bắt tình hình, linh hoạt ứng phó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung hướng dẫn, cùng địa phương và doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh và chính sách mở cửa của thành phố.

III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Mục tiêu:

- Khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch

- Đảm bảo thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách an sinh xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội

- Chủ động ứng phó kịp thời, xử lý linh hoạt trước tình hình mới.

2. Nội dung tổ chức thực hiện:

a) Tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành và chủ động thích ứng:

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch và các biện pháp xử phạt vi phạm, tuyên dương các đơn vị, cá nhân đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Chủ động thông tin đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để kịp thời xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện và tình hình mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch và phục vụ quản lý điều hành của thành phố; đảm bảo việc tiếp nhận thông tin quản lý, điều hành của thành phố và nội dung phản ánh của doanh nghiệp thông suốt, liên tục.

b) Triển khai thực hiện nhanh và hiệu quả kế hoạch tiêm ngừa vắc xin:

Tập trung tổ chức tiêm ngừa kịp thời lượng vắc xin được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn.

Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ để sớm được phân bổ tiếp tục vắc xin, chủ động xây dựng kế hoạch để tiêm ngừa cho người dân, hướng tới đảm bảo các điều kiện cần thiết cho người lao động được tiếp cận, tạo sự chủ động trong việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp theo lộ trình mở cửa, khôi phục sản xuất kinh doanh.

c) Tập trung hướng dẫn, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp

Chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh đối với những nội dung hướng dẫn quy trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh chi tiết, phù hợp từng giai đoạn, trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh theo hướng tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế linh hoạt, tự chủ, mà vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Thường xuyên kiểm tra với những hình thức phù hợp, để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh.

Định kỳ tổ chức đối thoại trực tuyến, trực tuyến, làm việc theo nhóm ngành với những phương thức thực hiện hiệu quả nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng của doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện trước tình hình mới.

d) Tập trung tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội:

Rà soát việc thực hiện, không để sót các đối tượng được hưởng các chính sách theo quy định.

Xác định cụ thể đối tượng người nghèo, người yếu thế, những người sẽ bị ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh và giãn cách ngoài những trường hợp đã được quy định, để tiếp tục thực hiện các chính sách chăm lo đời sống, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

đ) Chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong kết nối giao thương, giao thông:

Rà soát, xác định kế hoạch cụ thể trong việc kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, đảm bảo việc áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm tra tương thích, hài hòa và đồng bộ giữa các địa phương trong điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất trong phương thức thực hiện, trong kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long.

e) Củng cố an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để xảy ra khủng bố, phá hoại, biểu tình, phá rối an ninh, trật tự; không để phát sinh các vụ việc phức tạp trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, chủ động ứng phó với các tình huống cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản người dân.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan có liên quan:

1. Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, toàn diện ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo thực hiện kịp thời, chất lượng và có hiệu quả.

2. Rà soát và ban hành ngay các nội dung hướng dẫn, kế hoạch tổ chức thực hiện của ngành mình cấp mình, thời gian hoàn thành các nội dung hướng dẫn, kế hoạch thực hiện trước ngày 25 tháng 9 năm 2021 để tổ chức thực hiện.

3. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện./.


Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND;
- CT, PCT UBND TP;
- VP.TU, VP.ĐĐBQH&HĐND TP;
- Sở, ban ngành thành phố;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn;
- UBND quận, huyện;
- Văn phòng UBND TP (2,3);
- Lưu: VT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tấn Hiển

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Ke-hoach-195-KH-UBND-2021-quan-ly-thanh-pho-dam-bao-cong-tac-phong-chong-dich-COVID-Can-Tho-624371.aspx


Bài viết liên quan: